Tại Mỹ, một báo cáo của chính phủ dự đoán đến 1/6, nước này có thể ghi nhận trung bình 3.000 người chết mỗi ngày, giống như thảm họa 11/9 lặp lại hàng ngày. Tại Anh, báo chí mô tả tình hình dịch tại nước này "tồi tệ hơn cả Blitz", nhắc đến cuộc oanh kích của phát xít Đức vào Anh trong Thế chiến II.
Mỹ và Anh, hai quốc gia đã gắn bó thân thiết trong nhiều thập kỷ, hiện giờ có điểm chung: họ là hai vùng dịch chết chóc nhất thế giới. Mỹ ghi nhận hơn 1,3 triệu người nhiễm và hơn 80.000 ca tử vong. Anh báo cáo hơn 215.000 ca nhiễm và hơn gần 32.000 người chết.
Ở cả hai quốc gia, các lãnh đạo ban đầu có cách tiếp cận "phớt tỉnh" trước mối đe dọa. Hồi cuối tháng hai, Trump nói rằng virus sẽ biến mất "như một phép màu" vào tháng 4 khi thời tiết ấm lên. Giờ đây, ông dường như chấp nhận rằng số người chết ở nước này có thể vượt 100.000, mất mát có thể lớn hơn thương vong của người Mỹ trong chiến tranh nửa thế kỷ qua.
Ở Anh, Thủ tướng Boris Johnson ban đầu theo đuổi ý tưởng "miễn dịch cộng đồng", từ chối thực hiện biện pháp nghiêm ngặt mà các nước châu Âu khác đã ban hành vào cuối tháng hai. Chỉ khi các nhà khoa học ở London đưa ra những dự báo tàn khốc, cảnh báo 250.000 người có thể mất mạng, chính quyền Johnson mới thay đổi và áp đặt phong tỏa. Nhưng sai lầm không thể đảo ngược, lượng người nhiễm tăng vọt, chính Johnson phải điều trị tích cực sau khi nhiễm nCoV.
Cả hai quốc gia đều triển khai kém việc xét nghiệm và truy vết tiếp xúc trong giai đoạn đầu dịch bùng phát. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hồi đầu tháng hai phát triển và phân phối kit xét nghiệm đến các bang nhưng chúng bị lỗi. CDC hứa sẽ cung cấp hàng thay thế nhưng vài tuần trôi qua, lời hứa không được thực hiện. Dù vậy, chính phủ ban đầu từ chối nới lỏng rào cản pháp lý cho phép các bang và sở y tế địa phương tự phát triển kit xét nghiệm.
Mặc dù Mỹ giờ đã tăng cường năng lực xét nghiệm, số lượng xét nghiệm hiện vẫn chưa đủ và nhiều tháng trì hoãn cùng thiếu hụt kit đã khiến virus lây lan không kiểm soát.
Anh chật vật triển khai xét nghiệm bên ngoài bệnh viện, không giống như Đức và Hàn Quốc, những nước được coi là hình mẫu chống dịch bằng cách thiết lập nhiều trạm xét nghiệm nhanh. Tuần này, khi số ca tử vong ngày càng gia tăng, chính quyền Johnson thừa nhận không đạt được mục tiêu xét nghiệm hàng ngày.
Đại dịch phơi bày những vấn đề tồn tại từ trước ở cả hai nước. Tại Anh, Cơ quan Y tế Quốc gia lâm vào tình trạng thiếu thiết bị và vật tư sau nhiều năm cắt giảm tài chính. Tại Mỹ, các biện pháp hỗ trợ người nghèo còn chưa đủ nên hàng triệu người vẫn tiếp tục làm việc để mưu sinh ngay cả khi có nguy cơ trả giá bằng sức khỏe. Giống những nơi khác trên thế giới, người thiểu số và người nghèo vẫn là nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở hai quốc gia. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, người da màu ở Anh có nguy cơ tử vong vì nCoV cao gấp 4 lần so với người da trắng.
Tuy nhiên, hai nước có sự khác biệt về vấn đề chính trị. Tại Mỹ, Covid-19 được nhìn qua lăng kính đảng phái. Các cuộc thăm dò cho thấy những người ủng hộ Tổng thống ít quan tâm đến dịch hơn người ủng hộ các đối thủ của ông. Khi còn 6 tháng nữa là đến bầu cử tổng thống, Trump tiếp tục tấn công truyền thông và đổ lỗi cho các đối thủ.
Nhưng cách tiếp cận đó có giới hạn. "Không giống như báo chí, virus không thể bị công kích bằng ngôn từ. Nó cũng không thể bị sa thải hoặc giáng chức giống như các quan chức", nhà bình luận Helen Lewis viết Alantic. "Nó cũng không đọc Twitter".
Trong khi đó, nước Anh, vốn chia rẽ sâu sắc về nhiều vấn đề như Brexit, không chứng kiến sự phân cực đó trong đại dịch. Chính quyền Johnson thống nhất về thông điệp kêu gọi người dân ở nhà, thay vì đưa ra những phát ngôn mâu thuẫn, nhà bình luận Jonathan Freedland viết trên Guardian.
Ở cả hai quốc gia, các chính trị gia dân tộc chủ nghĩa thường đặt giá trị tự do cá nhân lên trên hết. Nhưng điều đó có thể nguy hiểm trong đại dịch.
Nhiều người coi tự do cá nhân là biểu tượng của đất nước và điều đó làm họ miễn cưỡng áp đặt các hạn chế di chuyển và tụ họp có thể cứu sống mạng người, nhà bình luận Fintan O'toole viết trên Guardian về lệnh phong tỏa muộn màng của Anh. Johnson đã chần chừ đóng cửa các quán rượu, cho rằng đây là quyền "đã có từ lâu, không thể tước bỏ" của người Anh. Đến ngày 20/3, ông mới ra lệnh đóng cửa quán rượu và ban lệnh phong tỏa toàn quốc ngày 23/3. Điều đó cũng giống sự miễn cưỡng của các quan chức Mỹ khi áp phong tỏa.
Tôn trọng tự do là một việc, nhưng ứng phó dịch "một mình một kiểu" là việc khác, O'Toole viết. "Vì sự tôn thờ chủ nghĩa tự do cá nhân, nhiều người đã phải bỏ mạng".
Phương Vũ (Theo Washington Post)