Các đại cử tri Mỹ, trong đó có những chính trị gia nổi tiếng như vợ chồng Bill và Hillary Clinton, hôm nay sẽ tập trung tại tòa nhà nghị viện của 50 bang và thủ đô Washington để bỏ lá phiếu trực tiếp bầu tổng thống của mình. Người giành được tối thiểu 270 phiếu đại cử tri sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ.
Theo quy định, các đại cử tri sẽ họp vào ngày thứ Hai sau thứ Tư thứ hai trong tháng 12, tức ngày 14/12 năm nay, để bầu tổng thống và phó tổng thống. Thông thường đại cử tri sẽ bỏ phiếu theo kết quả bầu cử phổ thông của bang. Trước đó, toàn bộ 50 bang Mỹ đã chứng nhận kết quả bầu cử, với chiến thắng phiếu phổ thông thuộc về Joe Biden.
Ước tính, Biden giành 306 phiếu đại cử tri, trong khi Tổng thống đương nhiệm Donald Trump giành 232 phiếu. Theo quy trình mà Mỹ đưa ra từ cuộc bầu cử đầu tiên năm 1789, cuộc bỏ phiếu đại cử tri đoàn hôm nay là thời điểm chính thức Biden trở thành tổng thống đắc cử thứ 46 của Mỹ.
Cuộc bỏ phiếu đại cử tri đoàn cũng sẽ là đòn giáng mạnh vào nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử Mỹ của Trump, bởi nó sẽ chính thức vô hiệu hóa mọi thách thức pháp lý đối với kết quả bầu cử. Cuộc bỏ phiếu này thường chỉ mang tính tượng trưng và không được chú ý, nhưng năm nay, nó đánh dấu một ý nghĩa chính trị quyết định khi Trump kiên quyết không nhận thua.
Một số đại cử tri có thể phá cam kết bầu cho ứng viên đảng của mình và họ được gọi là "đại cử tri bất tuân". Trong lịch sử Mỹ, đã có 180 phiếu đại cử tri bất tuân được bỏ trên tổng số 23.000 phiếu đại cử tri, theo Elena Kagan, thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ.
Tuy nhiên, các đại cử tri bất tuân chưa bao giờ làm thay đổi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. 32 bang Mỹ, trong đó có thủ đô Washington, yêu cầu đại cử tri phải bỏ phiếu theo cam kết. Ít nhất 5 bang quy định biện pháp trừng phạt các đại cử tri bất tuân, trong khi hàng chục bang được quyền hủy phiếu và thay thế đại cử tri bất tuân.
Hồi tháng 7, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết cho phép các bang yêu cầu đại cử tri phải ủng hộ ứng viên đã được đa số cử tri phổ thông lựa chọn, cũng như trao quyền cho các bang trừng phạt những đại cử tri bất tuân. Nhiều đạo luật dự kiến được ban hành trong tương lai để ràng buộc đại cử tri bỏ phiếu theo kết quả bầu cử phổ thông.
Sau khi kiểm phiếu, các đại cử tri ký vào 6 giấy chứng nhận kết quả bầu cử. Các giấy chứng nhận này được gửi tới quan chức phụ trách bầu cử của bang (thường là tổng thư ký bang), Cục Lưu trữ Quốc gia, thẩm phán tòa liên bang tại hạt nơi các đại cử tri họp và đương kim chủ tịch Thượng viện.
Đến 13h ngày 6/1, Chủ tịch Thượng viện sẽ chủ trì một phiên họp quốc hội toàn thể để đọc to giấy chứng nhận phiếu đại cử tri của từng bang, theo thứ tự bảng chữ cái. Đây là bước cuối cùng trong quá trình kiểm phiếu đại cử tri.
Nếu các nghị sĩ quốc hội không có bất kỳ phản đối nào bằng văn bản đối với chứng nhận phiếu đại cử tri, Chủ tịch Thượng viện sẽ chính thức xác nhận việc lựa chọn tổng thống đắc cử và phó tổng thống đắc cử.
Chiến dịch Trump và các đồng minh tiến hành hàng chục vụ kiện đòi kiểm lại phiếu bầu ở rất nhiều bang cũng như ở Tòa án Tối cao Mỹ. Tuy nhiên, các thẩm phán bang, liên bang và cả Tòa án Tối cao đều bác hầu hết các đơn kiện.
Bất chấp những thất bại liên tiếp, Trump vẫn quyết không từ bỏ và chia sẻ trên Twitter rằng "chúng ta mới chỉ bắt đầu chiến đấu".
Hồng Hạnh (Theo Guardian)