Thứ ba, 24/12/2024
Thứ tư, 10/10/2018, 00:00 (GMT+7)

Đại công trường vành đai giao thông gần 10.000 tỷ ở Hà Nội

Sau nửa năm thi công, đường vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy-Ngã Tư Sở đã mọc lên hàng loạt trụ bê tông, chuẩn bị đổ thanh dầm.

Đồ hoạ đường trên cao xuyên tâm Hà Nội
 
 

Đồ hoạ tuyến đường vành đai 2 trên cao.

Dự án xây dựng đường vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở (Hà Nội) được khởi công tháng 4/2018 bao gồm tuyến đường bộ trên cao và mở rộng dưới thấp.

Tuyến đường dài trên 5 km, tổng mức đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng. Nhà đầu tư Vingroup dự kiến thực hiện công trình trong 15 tháng. Đến nay sau hơn 5 tháng thi công, hình hài tuyến đường trên cao đã hiện hữu khi khoảng 20 trụ cột bê tông được hoàn thiện trên đường Trường Chinh mở rộng.

Các trụ bê tông từ cầu vượt Ngã Tư Vọng đến nút giao Tôn Thất Tùng phần lớn đã được hoàn thiện.

Cầu cạn Vành đai 2 sẽ vượt qua cầu Ngã Tư Vọng, do vậy trụ bê tông cạnh cây cầu này cao ngang với toà nhà 5-6 tầng.

Cầu cạn đường Vành đai 2 sẽ rộng 19 m, có 3 vị trí lên xuống. Đây là dự án đường trên cao đầu tiên ở Hà Nội sử dụng công nghệ thi công cầu bê tông cốt thép trên đà giáo di động.

Với công nghệ này, thay vì vận chuyển các tấm dầm bê tông bằng xe hạng nặng, nhà thầu sẽ đổ dầm trực tiếp trên đà giáo. "Việc này giúp kiểm soát chất lượng tốt hơn, thời gian thi công ngắn hơn so với biện pháp lao lắp dầm", một kỹ sư dự án cho biết.

Hai đà giáo di động trên đường Trường Chinh đang được lắp đặt để chuẩn bị đổ các thanh dầm của cầu cạn.

Với công nghệ thi công cầu bê tông cốt thép trên đà giáo di động, sau khi xong một nhịp, toàn bộ hệ thống ván khuôn và đà giáo được lao đẩy tới nhịp tiếp theo và bắt đầu công đoạn như nhịp trước. 

Trụ bê tông cạnh nút giao Tôn Thất Tùng. Đơn vị thi công đã hoàn thành hơn một nửa số cọc nhồi trong tổng số 302 cọc và khoảng 20/38 trụ chính.

Những ngôi nhà cuối cùng trên đường Trường Chinh, đoạn qua quận Thanh Xuân, Đống Đa đang được giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công dự án.

Hà Nội phải giải phóng mặt bằng hơn 4.000 hộ dân thuộc các quận Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng khi triển khai đường vành đai 2; chi phí dành cho giải phóng mặt bằng trên 4.000 tỷ đồng. 

Để thi công hơn 5 km chạy trên cao, trong đó có 3 km chạy qua quận Hai Bà Trưng, Hà Nội phải giải phóng mặt bằng khoảng 2.357 hộ dân với hàng chục nghìn nhân khẩu. Đến nay nhà chức trách mới giải phóng mặt bằng được đoạn từ cầu Mai Động đến cầu Vĩnh Tuy. 

Đoạn từ cầu Mai Động đến cầu Vĩnh Tuy đã được giải phóng mặt bằng, hàng chục phương tiện và cả trăm công nhân đang gấp rút chuẩn bị các công việc cần thiết để thi công đường trên cao.

Bản đồ vị trí tuyến đường vành đai 2 trên cao, chạy xuyên tâm Hà Nội. 

Đường vành đai 2 là tuyến giao thông nội đô khép kín của Hà Nội có tổng chiều dài 43,6 km. Đường chạy qua các điểm Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - đường Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy.

Hai cầu vượt sông Hồng trên đường vành đai 2 là Vĩnh Tuy và Nhật Tân, một cầu vượt sông Đuống là cầu Đông Trù.

Bá Đô