Ngày 26/5, Guo chia sẻ trong quá trình trưng cầu ý kiến người dân về dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ trẻ vị thành niên, gần 20.000 người trong độ tuổi này đã đề xuất giảm khối lượng và sức ép học tập. Các em cho biết, việc đến các lớp học thêm, lò luyện thi sau thời gian ở trường đã vắt kiệt sức, đẩy tinh thần các em vào trạng thái căng thẳng, thậm chí sợ hãi.
Từ ý kiến này, Guo cho rằng ép trẻ vị thành niên học thêm là không đúng, cần loại bỏ. Dự thảo sửa đổi quy định người giám hộ của trẻ có nghĩa vụ đảm bảo các em có thời gian nghỉ ngơi, giải trí và rèn luyện thể chất, đồng thời trường học nên làm việc với phụ huynh và người giám hộ để cân bằng thời gian học tập sao cho hợp lý.
Cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc, trực thuộc Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân, đã thông qua dự luật sửa đổi và luật mới có hiệu lực từ 1/6.
Trước đó, người dân Trung Quốc dấy lên tranh cãi về xung đột giàu, nghèo trong giáo dục. Trong khi trẻ em nông thôn học 18 tiếng mỗi ngày để vào đại học, học sinh trường danh tiếng chỉ học ba tiết rồi chơi bài, xem phim vì không có bài về nhà. Những em này cũng không phải tham gia các lớp luyện thi sau giờ học.
Daching Ruan, giáo sư xã hội học tại Đại học Baptist Hong Kong, khẳng định các cá nhân không thể thay đổi hiện thực này mà cần sự biến chuyển từ gốc rễ của hệ thống giáo dục.
Thanh Hằng (Theo China Daily)