Khoảng cách giữa các trường giàu, nghèo ở Trung Quốc không phải là vấn đề mới nhưng cuối tháng 5 tiếp tục được đưa ra bàn luận trên mạng xã hội. Một vlogger (chuyên tạo nội dung video) xưng là cựu học sinh trường Trung học Liên kết, một trong những trường danh tiếng nhất Bắc Kinh, thuộc Đại học Bắc Kinh, đăng tải video, được quay trong sự kiện cựu học sinh về thăm trường cũ.
Cô gái này ghi lại cảnh mình đi dạo trong khuôn viên trường, mô tả một ngày đi học điển hình của học sinh trường Liên kết. "Chúng tôi chỉ phải học ba tiết mỗi ngày, ăn pizza vào bữa trưa, sau đó chơi bài. Sau giờ học, tôi cùng bạn bè đi uống trà sữa và xem kịch. Chúng tôi không phải làm bài tập về nhà", nữ vlogger nói.
Video đã nhận nhiều chỉ trích trên Douyin và Weibo, hai mạng xã hội hàng đầu Trung Quốc. Những người phản đối chỉ ra nhiều học sinh Trung Quốc, đặc biệt là ở vùng nông thôn, phải học đến 18 giờ mỗi ngày để giành một suất vào đại học. Trong khi đó, nữ vlogger cùng bạn bè lại được tận hưởng cuộc sống không căng thẳng hay gặp áp lực học tập, rộng cửa vào đại học tư thục hoặc du học.
"Chúng ta có sống trong cùng một quốc gia không? Cuộc sống trung học của bạn thú vị hơn cuộc sống của đa số chúng tôi", một người nhận xét.
Một bài đăng khác của nữ sinh trường Quốc tế Thanh Hoa, trực thuộc Đại học Thanh Hoa, đã đổ thêm dầu vào lửa. Cô gái này cho biết bạn mình có cơ hội vào thẳng Đại học Thanh Hoa mà không cần tham gia gaokao, kỳ thi đại học nổi tiếng khốc liệt của Trung Quốc. Người dùng mạng xã hội nước này bày tỏ sự sửng sốt, "không thể ngờ khoảng cách giàu nghèo lại rộng như vậy".
Đáp lại những lời chỉ trích, trường Quốc tế Thanh Hoa và Đại học Thanh Hoa đều phủ nhận việc tuyển thẳng hay có bất kỳ ưu tiên nào với những học sinh học trường trực thuộc. Tuy nhiên, một cựu học sinh trường Trung học Thực nghiệm, thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cơ sở hàng đầu đào tạo con cái của các chính trị gia và doanh nhân ưu tú, nói rằng không thể phủ nhận đặc quyền dành cho con của những thành viên ưu tú trong xã hội Trung Quốc.
Daching Ruan, giáo sư xã hội học tại Đại học Baptist Hong Kong, cho biết sự phẫn nộ của công chúng bắt nguồn từ cảm giác bất công trong nhiều thập kỷ. Nhiều người Trung Quốc làm việc chăm chỉ nhưng không được tiếp cận những nguồn lực tương tự với con cái của những người giàu có và quyền lực.
Các bậc phụ huynh thể hiện sự nỗ lực bằng cách gửi con đến lớp học tiếng Anh, cờ vua, khiêu vũ... Họ thúc ép trẻ học thêm một tiếng mỗi ngày để vượt lên trước bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, Ruan khẳng định, các cá nhân không thể thay đổi hiện thực này mà cần sự biến chuyển từ gốc rễ của hệ thống giáo dục.
Thanh Hằng (Theo SCMP)