"Chúng ta nên khuyến khích người trẻ kết hôn và sinh con ở độ tuổi thích hợp, đồng thời điều chỉnh hệ thống giáo dục để tạo thuận lợi cho họ vừa học tập, sinh nở cũng như làm việc", đại biểu He Dan phát biểu tại Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (gọi tắt là Chính hiệp) khai mạc cuối tuần trước.
Theo ông He, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Dân số Trung Quốc (CPDRC), hệ thống giáo dục nên kết nối hiệu quả hơn với chính sách hôn nhân và sinh sản của quốc gia.
"Chúng ta nên hỗ trợ kế hoạch kết hôn, sinh đẻ hợp lý cho các nghiên cứu sinh thạc sĩ, tiến sĩ", ông nói. "Các sinh viên đang học đại học mà có con cũng cần được hỗ trợ sinh hoạt phí và bảo hiểm y tế".
Đề xuất được ông He nêu đề xuất trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường tìm kiếm các giải pháp mới nhằm giải quyết lo ngại về nguy cơ khủng hoảng nhân khẩu học.
Dân số đang là một trong những chủ đề "nóng" nhất tại các phiên họp lưỡng hội Trung Quốc trong năm nay, khi quốc gia lần đầu tiên ghi nhận sụt giảm dân số trong 6 thập kỷ vào năm 2022. Dân số Trung Quốc giảm 850.000 người năm ngoái, xuống hơn 1,41 tỷ người. Số trẻ sơ sinh cũng giảm xuống dưới 10 triệu trẻ, lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại.
Tuy nhiên, báo cáo công tác chính phủ trình bày tại quốc hội năm nay không đề cập nhiều đến kế hoạch tăng tỷ lệ sinh cũng như cung cấp dịch vụ chăm sóc cho nhóm dân số cao tuổi ngày càng tăng.
Một cuộc khảo sát hồi đầu năm cho thấy hầu hết sinh viên đại học ở Trung Quốc không coi hôn nhân là cần thiết. Các chính sách khuyến khích sinh nở mà Trung Quốc đang áp dụng không tác động nhiều đến quan điểm này của họ.
Số người kết hôn lần đầu ở Trung Quốc năm 2022 đạt 11,6 triệu, giảm gần 700.000 so với một năm trước đó và giảm mạnh so với mức đỉnh 23,9 triệu hồi năm 2013.
Theo khảo sát, "gây dựng sự nghiệp trước khi lập gia đình" đã trở thành mục tiêu lớn đối với người trẻ Trung Quốc ở cả hai giới, trong khi "đau đớn thể xác khi sinh đẻ" là nỗi sợ chính của phái nữ khiến họ ngần ngại có con.
Đức Trung (Theo SCMP)