Phần lớn thời lượng phiên làm việc sáng nay được Quốc hội dành để thảo luận dự án quan trọng đối với hàng không Việt Nam, sau khi nghe Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng trình bày báo cáo của Chính phủ.
Vị tư lệnh ngành này cho biết, mục tiêu trước mắt của dự án Long Thành là đáp ứng nhu cầu vận tải phía Nam, khi sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng quá tải. Ngoài ra, việc phấn đấu để Long Thành có thể đảm nhận vai trò trung tâm trung chuyển của khu vực là mục tiêu dài hạn của dự án.
Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải như thế nào |
Từng nhiều lần lên tiếng ủng hộ dự án sân bay Long Thành, Đại biểu Trần Du Lịch tiếp tục nêu quan điểm cho rằng nếu không có điểm "chia lửa" với Tân Sơn Nhất trong 10 năm tới, thành phố sẽ “trở tay không kịp” với cảng hàng không này. "Không chỉ quá tải nhà ga, bãi đậu, đường băng mà quan trọng hơn là không lưu cũng đã xung đột. Đây là sự quá tải khó giải quyết nhất", vị này cảnh báo.
Cũng theo Phó đoàn TP HCM, nếu Long Thành không thể hoàn thành sớm hơn 2025, giao thông hàng không sẽ không chỉ là trở lực cho TP HCM mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dẫn báo cáo của Chính phủ về việc Tân Sơn Nhất sẽ quá tải chỉ hai năm nữa, khi vượt ngưỡng 25 triệu khách, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt vấn đề: "Dự kiến 2018 mới xây Long Thành và 7 năm sau mới xong, vậy thì giai đoạn 2017-2025, khi Tân Sơn Nhất đã quá tải sẽ giải quyết thế nào?". Vị này gợi ý nếu được Quốc hội thông qua, Chính phủ nên rút ngắn thời gian khởi công, có thể ngay trong 2016 và chỉ làm trong 5 năm, thay vì 7 năm.
Tính toán chi tiết hơn, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương dẫn lại con số dự báo năm 2025, khách qua Tân Sơn Nhất lên đến 53 triệu, tức vượt công suất tối ưu gần gấp đôi. “Nếu không xây Long Thành thì 28 triệu khách quá tải sẽ đi qua đâu?Nguồn thu bị mất là không nhỏ”, ông Cương nói.
Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cũng chia sẻ quan điểm này, khi cho rằng Long Thành hoàn tất giai đoạn I với công suất 25 triệu khách, cả sân bay này lẫn Tân Sơn Nhất đều phải hoạt động hết công suất mới giải tỏa lượng khách trên 50 triệu mỗi năm.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng dẫn thực tế cho thấy các đa số công trình lớn đều chậm tiến độ, gây lãng phí, đội vốn. Do vậy, ông kiến nghị Chính phủ tính toán khởi công sớm và kiểm soát chặt tiến độ trong quá trình triển khai.
Nhà sử học Dương Trung Quốc thậm chí còn lo lắng hơn khi cho rằng cái giá phải trả sẽ tăng theo cấp số nhân nếu dự án Long Thành bị chậm. Tuy nhiên, đại biểu Đồng Nai cũng cảnh báo rằng việc đưa dự án này ra lấy ý kiến chỉ một năm lại đây trong khi quy hoạch đã có từ hơn 10 năm trước là điều đáng tiếc. "Phải để người dân biết sớm, xã hội phản biện sớm là điều rất cần thiết. Nhưng sau 10 năm triển khai mới đưa ra là cách làm tạo sự khó xử", ông nói.
Từ đó, đại biểu tỉnh Đồng Nai lưu ý khi triển khai các bước tiếp theo, Chính phủ cần đẩy mạnh minh bạch hóa, thu hút ý kiến người dân, nhất là ý kiến xác đáng của các nhà khoa học để mọi người yên lòng. Cụ thể, cần phải đặt dự án trong tổng thể quy hoạch kinh tế khu vực Đông Nam Bộ, vốn đã triển khai qua hai đời Thủ tướng. Theo ông, đây chỉ là một dự án thành phần song vô cùng quan trọng và ảnh hưởng đến các công trình đã triển khai theo quy hoạch.
“Tôi giả dụ Quốc hội đủ thẩm quyền nói không làm Long Thành thì có nghĩ đến cả một quy hoạch lớn bị vỡ không? Rất nhiều dự án như các tuyến cao tốc lớn đã hướng về đây. Khi ấy, sự lãng phí sẽ thế nào”, ông đặt vấn đề. Vị này sau đó cũng lên tiếng ủng hộ dự án, song đề nghị cơ quan quản lý cần rút kinh nghiệm, tránh việc quyết định lại những chuyện đã rồi.
Toàn cảnh dự án sân bay Long Thành |
Trước đó, từ tháng 7/2013, lần đầu tiên ngành giao thông tổ chức công bố công khai báo cáo (tóm tắt) siêu dự án này. Tại thời điểm đó, theo phương án được tư vấn Nhật Bản đưa ra, chi phí cho sân bay Long Thành qua 3 giai đoạn vào khoảng 18,7 tỷ USD. Với thời gian khởi công dự kiến vào năm 2019 và hoàn thành bước đầu vào năm 2022, sân bay khi đó sẽ có công suất phục vụ 25 triệu khách mỗi năm (chi phí cho giai đoạn này khoảng 7,8 tỷ USD).
Với diện tích đất khoảng 5.000 ha, sân bay Long Thành đã được Chính phủ quy hoạch từ năm 2005 – là sân bay duy nhất ở Việt Nam được chọn là cảng hàng không trung chuyển quốc tế với công suất 100 triệu khách mỗi năm, sau khi hoàn tất các giai đoạn vào năm 2050. Tuy nhiên, tại tờ trình của Chính phủ hôm nay, diện tích cho sân bay đã được thu hẹp còn 2.750 ha và tổng mức đầu tư giảm còn 15,8 tỷ USD, so với 18,7 tỷ USD như phương án trước đó.
Công trình này cách sân bay quân sự Biên Hòa 32 km, cách Tân Sơn Nhất 43 km, vẫn có năng lực thiết kế tối đa 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, đón nhận được loại máy bay A380-800 và tương đương.
Chí Hiếu
Đồ họa: Tiến Thành - Việt Chung