Tại hội thảo về dự án sân bay Long Thành do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hôm qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết trong ít ngày tới, Quốc hội sẽ thảo luận để xem xét dự án do Chính phủ trình. Đây mới là bước xem xét chủ trương đầu tư, còn làm hay không sẽ do báo cáo khả thi quyết định. "Theo Nghị định 12 về hướng dẫn đầu tư, sau khi được duyệt chủ trương còn có thêm bước lập báo cáo khả thi. Báo cáo khi đó thấy khả thi thì mới làm. Lúc ấy Chính phủ còn cáo lại Quốc hội một lần nữa, không phải lần này Quốc hội cho chủ trương là đầu tư ngay”, ông Thăng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho biết, trong quá trình tiếp thu ý kiến các chuyên gia, Quốc hội, ngành giao thông sẽ thành lập các ban, tổ độc lập để làm rõ từng luận cứ một về kinh tế, tài chính, lưu lượng hành khách, kỹ thuật… “Việc tiếp thu phải được thực hiện một cách nghiêm túc, cầu thị để khi làm dự án có chất lượng chứ không phải tiếp thu cho qua chuyện”, Bộ trưởng nói.
Tại diễn đàn lần này, dù vẫn còn một vài ý kiến trái chiều song đa số đại biểu khẳng định chủ trương xây dựng công trình là đúng đắn. Tại tham luận mang tên “Đừng quên những tháng năm thủ tục”, Tiến sĩ Lương Hoài Nam đã kêu gọi việc sớm triển khai dự án.
“Đây là không phải ý tưởng mới do ai đó nghĩ ra rồi hùng hục làm mà dự án đã được nghiên cứu ít nhất 18 năm tính từ ngày Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới cảng hàng không”, ông Nam nói. Từ đó đến nay, hàng loạt dự án hạ tầng lớn nhất của khu vực phía Nam đều hướng về Long Thành để biến nơi đây thành một nút giao thông đa phương thức lớn nhất Việt Nam, như các tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành – Dầu Dây, Bến Lức – Long Thành…
Chuyên gia kinh tế, đồng thời là đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đã hai lần khẳng định “sẽ bấm nút ủng hộ thông qua chủ trương đầu tư” trong khoảng 10 phút tham luận của mình. Giới thiệu là người tham gia xây dựng quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Lịch nói từng mơ ước về việc khu vực này có một sân bay tầm cỡ, chứ không chỉ có Tân Sơn Nhất đang ngày một chật chội.
Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM lo ngại, tờ trình Chính phủ vừa gửi Quốc hội nói nếu cơ quan quyền lực quyết chủ trương tại kỳ họp này thì cũng phải năm 2025 dự án mới xong giai đoạn I (quy mô 25 triệu khách mỗi năm). “Khi ấy, Tân Sơn Nhất quá tải nặng lắm rồi. Tôi mong có công trình này sớm hơn”, ông Lịch bày tỏ.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành đến từ chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nhận xét, lượng khách trong báo cáo tiền khả thi của Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) chủ trì xây dựng có thể thấp hơn số liệu mà Fulbright tính toán. “Chúng tôi nghiên cứu 20 sân bay lớn trên thế giới thì tính bình quân lại tốc độ khách cao gấp 2,6 lần so với ACV dự báo. Nếu nhìn lịch sử thì khách qua Tân Sơn Nhất cũng tăng hơn 1,24 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế 3 địa phương Bình Dương, Đồng Nai và TP HCM”, Tiến sĩ Thành cho biết.
Do vậy, theo ông Thành, ngay cả làm Long Thành từ bây giờ thì vẫn phải cơi nới Tân Sơn Nhất mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của vùng.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch Hội khoa học Kinh tế cũng đồng tình việc Quốc hội cho chủ trương để chuẩn bị các bước thực hiện dự án. "Dự án này không phải đột xuất mà có mà đã được chuẩn bị từ lâu. Có điều hiệu quả tài chính cần làm rõ hơn", Tiến sĩ Thái đề nghị.
Ông cũng đề xuất đề án cần rõ hơn cơ chế tạo phương thức phát triển. "Nếu đa sở hữu được thì tốt, khi đó vốn Nhà nước làm mồi và sẽ thoái dần lúc có nhà đầu tư nước ngoài hay tư nhân cùng vào", ông Thái nêu quan điểm.
Chí Hiếu