Chia sẻ bên hành lang Quốc hội ngày 22/5, ông Trần Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế và phát triển TP HCM, Đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM cho rằng "bắt buộc" phải lập đặc khu.
- Hôm nay Quốc hội thảo luận lần 2 về dự thảo Luật đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Quan điểm của ông thế nào về việc lập các đặc khu này?
- Nếu bàn quá nhiều mà không thực thi sẽ bị tắc, giống như các dự án phát triển về đô thị như metro. Ở nhiều nước, một đô thị chưa đến một triệu dân đã có hệ thống metro rồi. Giờ mình có đô thị 10 triệu dân mới bắt đầu làm. Thế là quá chậm! Chúng ta đi sau quá trình phát triển.
Vì thế, nếu cứ lấn cấn, bàn đi tính lại mãi thì sẽ mất đi cơ hội, nhất là khi thế giới hiện nay mang tính toàn cầu và xu hướng bảo hộ đang được đẩy lên. Ví dụ như Mỹ, chính quyền mới thực hiện chính sách bảo hộ rất nhiều. Khi đó, lãi suất có thể được đẩy lên, rồi trái phiếu trước kia họ mua, giờ họ bán ra để thu hút ngược đầu tư trở về, thúc đẩy kinh tế.
Dĩ nhiên phải có biện pháp quản lý tốt nhằm đảm bảo an toàn, an ninh quốc phòng. Nếu ngành nghề nào gây hại cho xã hội thì hạn chế, kiểm soát.
- Theo ông, những chính sách đưa ra với 3 nơi thí điểm xây dựng đặc khu đã thực sự vượt trội?
- Trong quá trình phát triển chúng ta nên tôn trọng và xem xét phát triển những ngành, lĩnh vực thị trường cần, đòi hỏi. Tại sao các nước trong khu vực phát triển được mà mình không làm được? Phải đặt ra câu hỏi đó để xem yếu khâu nào: quản lý, hay thực hiện... để rồi hoàn thiện.
Chúng ta phải mạnh dạn đưa vào các cơ chế mới, ưu đãi cao để thí điểm, từ đó rút kinh nghiệm. Nếu cứ cân nhắc, bàn hoài sẽ chậm mất nhiều cơ hội, và nền kinh tế sẽ tiếp tục bị thụt lùi so với các nước trong khu vực.
- Tính toán của nhà điều hành, cần hơn 1,5 triệu tỷ đồng để xây dựng 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Ông nghĩ sao về nguồn lực này?
- Dù số vốn cần bỏ để hình thành, phát triển 3 nơi sẽ thí điểm xây dựng đặc khu kinh tế lớn song nó có tính phân kỳ. Tuy nhiên, đây sẽ là những cực phát triển quan trọng, đòn bẩy tạo sức bật cho nền kinh tế tương lai nên số tiền trên lại không quá đắt. Đừng quá lo lắng, quan tâm về vốn đầu tư mà e ngại, chần chừ trong phát triển đặc khu kinh tế.
Trong quá trình xây dựng, cần quyết liệt thực thi ngay bằng nhiều hình thức khác nhau để thu hút đầu tư những ngành có tính lan toả, tạo đòn bẩy thành các cực phát triển mạnh, thúc đẩy nền sản xuất, kinh tế quốc gia. Đó là vấn đề chúng ta cần phải tổ chức thực hiện cho tốt.
- Khác với đề xuất trước đây, dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt lần này lại thiết kế chính quyền đặc khu phân theo 2 cấp Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân. Ông nghĩ sao về sự thay đổi này?
- Việc xây dựng cơ chế tổ chức bộ máy chính quyền của các đặc khu cũng thuộc dạng cơ chế thí điểm. Vì thế khi xây dựng chính quyền, chúng ta phải xem xét tất cả các khía cạnh của các luật có liên quan như Luật Chính quyền địa phương mới, các luật liên quan đến ngân sách đầu tư công… Nếu quá vênh với các luật này sẽ không ổn cho quá trình quản lý.
Tôi cho rằng những thiết kế về tổ chức bộ máy chính quyền tại dự thảo khá thận trọng. Quá trình vận hành có thể sẽ phát sinh thì cần điều chỉnh, rút kinh nghiệm để hoàn thiện, đảm bảo an toàn hệ thống.
- Vậy theo ông cần phân cấp, phân quyền cho chính quyền đặc khu ra sao để quyết sách đưa ra thực sự vượt trội?
- Đó đúng là vấn đề đang bàn để làm sao cho trưởng đặc khu có thẩm quyền nhất định trong việc thu hút đầu tư, quyết định các quyết sách đầu tư phát triển đặc khu đó.
Dĩ nhiên, phải rất cân nhắc xem quyền hạn của trưởng đặc khu như thế nào, cơ chế phối hợp đối với đặc khu, với tỉnh, với các cơ quan chính quyền Trung ương ra sao. Song tôi nghĩ, Đảng, Nhà nước đã có những quyết sách rất kỹ trong quá trình tuyển chọn người đứng đầu và các cấp phó. Chúng ta cần tin tưởng quá trình bổ nhiệm người đứng đầu đặc khu. Khi đã chọn được người có tài, có đức, có tâm thì nên mạnh dạn phân cấp, phân quyền để họ có quyền chủ động đưa ra quyết sách giúp đặc khu đó phát triển.
Anh Minh
Dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc gồm 85 điều sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường sáng 23/5.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, việc hình thành các đặc khu kinh tế sẽ giúp Nhà nước thu về hàng tỷ đôla Mỹ. Tại Vân Đồn, ước tính Nhà nước sẽ thu được khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí; 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Đặc khu Bắc Vân Phong cũng dự kiến đem lại khoảng 1,2 tỷ USD thuế và phí, 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Còn tại Phú Quốc, con số này khoảng 3,3 tỷ USD.