Thảo luận ở Quốc hội sáng 31/10, đại biểu Hoàng Quang Hàm - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, phản ánh ý kiến nhiều cử tri cho rằng mức tăng trưởng những năm gần đây không hợp lý, lên xuống đột ngột giữa các quý , không theo logic thông thường. "Tăng trưởng rơi thì tự do, lên thì thần kỳ", ông nói.
Theo ông, cuối năm tăng trưởng rất cao, đầu năm sau thì đột ngột giảm xuống. Cụ thể quý 4 năm 2015, cả nước tăng trưởng đạt 7,01% thì quý 1 năm 2016 rơi xuống 5,48%. Mức tăng trưởng này tăng dần ở quý sau và đạt 6,68% ở quý 4 năm 2016, nhưng lại đột ngột giảm ở quý tiếp theo.
"Với số liệu thống kê trên, cử tri cho rằng nếu thống kê đúng thì tăng trưởng có những bất hợp lý, trái với logic thông thường. Vì vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ và có biện pháp khắc phục ngay", ông Hàm nói.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm lo ngại trước tình trạng tăng trưởng lên xuống đột ngột. Ảnh: Q.H
Nợ chồng lên nợ
Đại biểu Hàm cho hay, năm 2018, trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, phần lớn là tiền vay thì phân bổ cho đầu tư phát triển lại dàn trải; ngân sách dành 80.000 tỷ cho các công trình quan trọng quốc gia nhưng đã 3 năm chưa bố trí và giải ngân được vốn. Đại biểu dẫn chứng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành đang báo cáo Quốc hội dự án khả thi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, nhưng chưa bố trí được vốn trong năm 2018.
Ông Hàm cũng nêu thực trạng nợ công sát trần (62,2%), thu ngân sách có thể không đạt kế hoạch trung hạn nhưng kỷ luật tài khoá chưa nghiêm.
Nợ công dự báo đến 2020 vào khoảng 4,2 triệu tỷ đồng, trả lãi vay hàng năm chiếm 7-8% tổng chi ngân sách. Bình quân một năm trả lãi hơn 100.000 tỷ, ngân sách trung ương nhiều năm không có thặng dư trả nợ, nguồn trả nợ từ vay mới, nợ chồng lên nợ. Dự báo đến năm 2020 không khắc phục được nợ, nguồn vay lên tới 252.000 tỷ đồng.
"Tình trạng chi tiêu ngân sách đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn ngân sách và nợ công", đại biểu tỉnh Phú Thọ nói.
"Nhiều doanh nghiệp chịu 12-15 loại thuế, phí"
Chung lo lắng, đại biểu Lê Minh Chuẩn nói nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài tiếp tục tăng so với năm trước, trong khi thu ngân sách 2017 mới đạt 69,5% dự toán. Ông cũng lo ngại ngân sách Trung ương 2017 có khả năng hụt thu.
"Thu không đủ chi đã làm hạn chế đầu tư phát triển, nhiều doanh nghiệp phải chịu 12-15 loại thuế, phí giảm sự đóng góp vào ngân sách Nhà nước. Tỷ lệ huy động ngân sách trên GDP của Việt Nam đứng thứ 3, sau Nhật Bản và các nước trong khu vực", ông Chuẩn nói.
Ông nêu số liệu: Tỷ lệ huy động thuế, phí ở Việt Nam là 20%, cao hơn Thái Lan hiện 11%, Malaysia 14,3%... Mỗi người dân Việt đang phải chịu khoản thuế, phí trên GDP gấp 1,4 - 3 lần so với nước khác. Làm 10 đồng nộp thuế gần 4 đồng.
"Dù tăng thuế, phí nhưng khả năng thu ngân sách vẫn không đạt mục tiêu. Cần thay đổi chính sách thu thuế, thay vì tận thu", ông Chuẩn nói và đề nghị đổi mới, cải cách thủ tục hành chính trong thuế, phí.
Báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội ở đầu kỳ họp cho thấy, tất cả 13 mục tiêu Quốc hội phê duyệt năm 2017 sẽ hoàn thành, trong đó 8 chỉ tiêu đạt và 5 vượt. Tăng trưởng GDP năm 2017 dự kiến là 6,7%, vừa khớp chỉ tiêu Quốc hội giao.
Sau nhiều năm, dự trữ ngoại hối đạt trên 45 tỷ USD; dư nợ công hiện khoảng 62,6%, nợ Chính phủ 51,8%, nợ nước ngoài của quốc gia 45,2% GDP. Năm 2018 Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng 6,5 - 6,7%; xuất khẩu 7-8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 33 - 34% GDP. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khống chế dưới 4%, lao động qua đào tạo 58-60%; dân số tham gia bảo hiểm y tế 85,2%... Thẩm tra báo cáo trên, Ủy ban Kinh tế yêu cầu Chính phủ đánh giá rõ hơn chất lượng các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Cơ quan này cũng lưu ý, các chính sách đưa ra cần tránh những rủi ro phát sinh như "bong bóng" trên thị trường chứng khoán, bất động sản... |
Anh Minh