Chính phủ sáng 9/11 trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu).
Góp ý tại tổ sau đó, ông Vũ Tuấn Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách, nói việc thu bổ sung thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết, do Việt Nam không thu thuế này thì các nước khác cũng thu, như thế sẽ mất khoản thuế khoảng 14.600 tỷ đồng.
Bản chất của thu thuế tối thiểu toàn cầu, là với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang được hưởng thuế suất ưu đãi 10%, họ sẽ phải nộp thêm khoản thuế bổ sung để đủ mức 15% theo quy định của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Tức là ưu đãi về thuế cho số doanh nghiệp này sẽ bị giảm đi so với trước.
Do đó, ông Tuấn Anh cho rằng, đi kèm với cơ chế áp thuế tối thiểu toàn cầu, cần nghiên cứu thêm chính sách hỗ trợ trở lại để doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư. Các chính sách này hiện chưa được Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội. "Nhưng nếu các nhà đầu tư nước ngoài chỉ thấy Việt Nam tăng thu, mà không hỗ trợ trở lại, họ có thể rút vốn, chuyển bớt đầu tư sang nước khác", ông lo ngại.
Ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đồng tình, Việt Nam thu thuế bổ sung thì cần nghiên cứu chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Việc này để nhà đầu tư thấy họ không còn được hưởng ưu đãi thuế, sẽ có các ưu đãi khác giúp giảm chi phí.
"Dự thảo Nghị quyết cần nêu thế nào để đưa ra được tín hiệu này, giao Chính phủ nghiên cứu phương án ưu đãi cụ thể. Đây là động thái cho nhà đầu tư biết rằng họ sẽ được hưởng thêm các chính sách khác khi áp thuế tối thiểu toàn cầu", ông Cường nêu.
Việc cần có các chính sách ưu đãi kèm theo cũng được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nước ngoài nêu quan điểm trước đó. Nói tại một hội thảo về thuế tối thiểu toàn cầu hồi tháng 4, lãnh đạo Samsung Việt Nam - doanh nghiệp có thể chịu tác động - từng đề nghị Chính phủ Việt Nam nên đưa ra chính sách ưu đãi, hỗ trợ để duy trì đầu tư. Bởi họ cho rằng khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, chính sách ưu đãi như miễn, giảm thuế của Việt Nam cho các doanh nghiệp FDI không còn hiệu quả.
Tuy nhiên, ông Tuấn Anh lưu ý, hiện OECD có chính sách chống chuyển lợi nhuận sang nước "thiên đường thuế" (thuế suất thấp), nên việc lấy trực tiếp khoản thu thêm để hỗ trợ doanh nghiệp là không khả thi, sẽ vi phạm quy định của tổ chức này.
"Đây là vấn đề khó, cần nghiên cứu kỹ để giữ chân nhà đầu tư cũ thu hút vốn mới, không ảnh hưởng tới môi trường đầu tư", ông Tuấn Anh nói.
Trong khi đó, bà Tạ Thị Yên, Phó ban Công tác đại biểu, góp ý sau khi áp dụng, Bộ Tài chính cần đánh giá tác động đến thu ngân sách để cân đối lại với kế hoạch trung hạn 2021-2025, nhằm tăng chi cho đầu tư phát triển.
Sau khi có nguồn bổ sung này, bà Yên đề nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh cũng như ngưỡng thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân nhằm thu hút nhân lực chất lượng cao, kể cả từ các nước. "Việc này nhằm khoan thư sức dân, kích cầu tiêu dùng, kích thích phát triển kinh tế theo xu thế chung và định hướng cải cách chính sách thuế", Phó trưởng ban Công tác đại biểu nói.
Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận của các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021 để chống lại các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang nước có thuế suất thấp để tránh thuế, có hiệu lực từ 1/1/2024. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của 4 năm liền kề nhất.
Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU sẽ đánh thuế vào năm 2024. Việt Nam cũng có kế hoạch áp thuế này từ năm 2024.
Theo số liệu của Tổng cục thuế, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu các nước có công ty mẹ đều áp thuế từ 2024, các nước này sẽ thu thêm phần thuế chênh lệch khoảng hơn 14.600 tỷ đồng trong năm sau.