-
11h24
Phiên làm việc buổi sáng của Quốc hội kết thúc lúc 11h20. Chiều nay Quốc hội tiếp tục làm việc từ 14h.
-
11h05
Vẫn còn một bộ phận 'dị ứng' với đổi mới sáng tạo
Tham gia thảo luận, ông Phạm Trọng Nhân lưu ý, nợ công giảm nhưng nợ nước ngoài, nợ Chính phủ tăng và đang có xu hướng sát trần Quốc hội cho phép. "Nỗ lực nhiều nhưng phải thừa nhận tăng trưởng kinh tế vừa qua vẫn dựa vào vốn, lao động và nợ vay. Doanh nghiệp tư nhân chưa đủ lực gánh vác nền kinh tế, xuất khẩu nằm trong tay các công ty FDI... những bất cập này sẽ được cơ cấu lại như thế nào là câu hỏi lớn", ông Nhân nói.
Đại biểu tỉnh Bình Dương cho rằng, đang có lực cản và một bộ phận "còn dị ứng với đổi mới sáng tạo, chưa chuẩn bị tâm thế và nội lực sẵn sàng cho cuộc cách mạng 4.0 đang tới gần".
Dự báo diễn ra trước 2025, chiếc ôtô đầu tiên sản xuất từ in 3D, 30% kiểm toán doanh nghiệp do trí tuệ nhân tạo thực hiện, ông Nhân đặt vấn đề, liệu thành tựu nào trong số đó sẽ đóng mác sản xuất ở Việt Nam?. "Chúng ta không nên bi quan nhưng thật khó có thể lạc quan", ông Nhân nói thêm.
Khẳng định không thể nằm ngoài con đường và cuộc đua cách mạng 4.0, theo đại biểu tỉnh Bình Dương, Việt Nam cần thay đổi chính sách, thể chế để đáp ứng lộ trình đổi mới sáng tạo.
"Việt Nam đang trong giai đoạn cuối của dân số vàng, sự rục rịch hồi hương của FDI, người máy rồi sẽ thay thế lao động giá rẻ, chính sách ưu dãi đầu tư sẽ không còn hấp dẫn... chúng ta không thể không thay đổi", ông chốt lại.
-
10h25
Đề nghị Chính phủ tăng cường đầu tư cho giáo dục, y tế
Phân tích báo cáo về kinh tế - xã hội của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói nhiều hạn chế trong giáo dục, y tế đã được chỉ ra, cụ thể chất lượng giáo dục đại học chưa cao, cơ cấu chưa hợp lý, biên chế giáo viên thừa thiếu cục bộ, sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, an ninh bệnh viện... gây bức xúc trong dư luận. Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp nhưng theo ông Hiếu các giải pháp vẫn chưa hợp lý và thiếu tính đột phá.
"Cần phải phân tích chính xác nguyên nhân gây các bất cập, thiếu sót vừa xảy ra để tìm ra mắt xích bị lỗi trong quá trình vận hành. Đơn cử như trong báo cáo thẩm tra của Quốc hội đánh giá quy trình thi THPT quốc gia chặt chẽ nhưng còn sơ hở trong bảo mật, vậy ai là người chịu trách nhiệm cho sơ hở này, hay lỗi do khách quan, quy trình. Chỉ rõ người chịu trách nhiệm mới đề ra biện pháp khắc phục, lấy lại được lòng tin của người dân", ông Hiếu đề xuất.
Vị đại biểu tỉnh An Giang đánh giá, các biện pháp kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh nói nhiều nhưng chưa giải quyết được những thiếu sót, hạn chế đã và đang tồn tại.
"Tôi rất mong Chính phủ quan tâm, tăng cường đầu tư đến hai ngành an sinh xã hội này vì khi người dân có cơm ăn áo mặc thì quan tâm đến sức khoẻ và việc học hành của con em", ông Hiếu nhấn mạnh.
-
10h20
Chi phí logistic lớn làm giảm năng lực cạnh tranh
Góp ý về kinh tế biển, kết nối giao thông, đại biểu Dương Minh Tuấn nói trong nhóm 5 cảng biển gồm cảng Long An, Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải... thì riêng cảng Cái Mép - Thị Vải đã nộp ngân sách 90.000 tỷ đồng trong 5 năm. Trung ương thu trên 90.000 tỷ nhưng chi đầu tư hơn 5.700 tỷ đồng, khoảng 6%. "Nghĩa là Trung ương bỏ ra 6 tỷ nhưng thu về 100 tỷ", ông nói. Tuy nhiên công suất khai thác của cảng này chỉ khoảng 40%, trong khi đây là cảng trung chuyển của khu vực. Nguyên nhân chính được ông Tuấn chỉ ra là chi phí logistic cao, kết nối thiếu đồng bộ giữa đường bộ, cảng biển...
Tại vùng trọng điểm kinh tế phía Nam có 2 tuyến cao tốc là Long Thành - Bến Lức và Trung Lương - Long Thành - Dầu Giây, nhưng hiện chưa có cầu kết nối giữa cao tốc với cảng biển phía dưới. Vì thế, ông Tuấn đề nghị, nên xây dựng thêm cầu nối từ cảng lên các tuyến cao tốc, để tăng giá trị khai thác, tạo đồng bộ trong kết nối giao thông. Ước tính 3 cây cầu nối vào 2 tuyến cao tốc trên khoảng 15.000 tỷ đồng.
"Hệ thống kết nối đồng bộ hơn, chi phí logistic sẽ giảm hoặc tương đương, năng lực cạnh tranh được nâng cao", ông nói.
Đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tính toán, bỏ vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hệ thống 3 cây cầu tại đây sẽ thu về khoảng 24.000 tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm, tăng công suất khai thác cảng Cái Mép - Thị Vải lên gấp đôi hiện nay, khoảng 80%.
"Một năm thu dầu, khoáng sản đạt 45.000 tỷ, nhưng chỗ này bỏ 15.000 tỷ đồng sẽ thu về 24.000 tỷ, tỷ suất thu rất lớn", ông góp ý.
-
10h00
Đồng bào dân tộc cùng quẫn vì tín dụng đen
Đại biểu Đinh Duy Vượt nêu thực trạng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là "lõi nghèo" của cả nước, sinh viên cử tuyển xong về lại không có việc làm. Trong khi đó, tín dụng đen đã hoành hành ở từng ngóc ngách của bản làng.
"Đồng bào dân tộc với bản chất thật thà, khả năng thích nghi, đề kháng còn hạn chế, trong hoàn cảnh túng bẫn đã chấp nhận vay, nhưng vay xong thì không có khả năng trả với kiểu xã hội đen, làm họ mất tư liệu sản xuất, mất đất, mất nhà, đẩy gia đình vào hoàn cảnh nghèo đói, tan cửa nát nhà, nhưng các cơ quan tư pháp rất khó khăn trong xử lý", ông Vượt nói và kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành quyết liệt chỉ đạo ngăn chặn tình trạng này.
-
9h55
Dự án mòn mỏi đợi vốn vì phải chờ qua nhiều tầng nấc
Đề cập tới công tác phòng, chống tham nhũng, tinh giản biên chế ở các Bộ, ngành như Công an, Tài chính, Công Thương... ông Nguyễn Ngọc Phương đánh giá đã có "đột phá tích cực".
Tuy nhiên, theo ông, vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục, việc phân bổ vốn đầu tư cho dự án chậm khi phải qua nhiều trung gian. "Dự án muốn rót vốn phải làm hồ sơ lên Bộ. Trong Bộ có nhiều Cục, trong Cục có nhiều phòng ban phụ trách. Quá trình nhiều tầng nấc nên dự án mất nhiều thời gian. Thậm chí nhiều dự án bổ sung một hạng mục cũng mất hàng năm trời mới được cấp vốn", ông nêu.
-
9h20
Đề xuất sáp nhập một số tỉnh, thành phố
Đại biểu Tạ Văn Hạ đánh giá, việc tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy thời gian qua đã đạt nhiều kết quả, nhưng còn chậm, bộ máy nhà nước vẫn cồng kềnh; đặc biệt chưa tinh giản được những trường hợp có đạo đức công vụ, năng lực yếu kém, ngân sách nhà nước chi cho lương vẫn chiếm tỷ lệ lớn.
Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu cho rằng, tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một ngày hai vì đây là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, nhưng đã đến lúc phải nhận thức rõ "tiền thuế của nhân dân không thể chịu nổi khi hàng năm chi thường xuyên chiếm hơn 60% ngân sách, chi đầu tư phát triển không còn nhiều".
Hiến kế một giải pháp cho vấn đề trên, ông Hạ nói Trung ương, Quốc hội, Chính phủ nên nghiên cứu sáp nhật một số tỉnh, thành.
Ông lấy ví dụ, nhìn sang các nước láng giềng, có diện tích lớn hơn Việt Nam 28 lần và dân số lớn hơn 15 lần nhưng chỉ có 33 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố; có nước được hình thành bởi gần 70.000 hòn đảo, dân số 120 triệu cũng chỉ có 47 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành. Việt Nam khi bước vào thời kỳ đổi mới 1986 gồm 44 tỉnh, thành nhưng nay đã 63 đơn vị.
"Gần đây, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập Hà Nội và Hà Tây, thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. Từ thực tiễn kinh nghiệm nêu trên, tôi đề nghị Chính phủ ngoài các giải pháp hiện có, nên nghiên cứu tham mưu với Đảng, Quốc hội xem xét giải pháp sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố", ông Hạ nói và khẳng định đây là giải pháp hiệu quả nhất để tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy.
Ngày 29/5/2008, hơn 92% đại biểu Quốc hội đã ấn nút thông qua nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.
Theo nghị quyết này, với việc hợp nhất toàn bộ diện tích tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã huyện Lương Sơn (Hòa Bình), Thủ đô Hà Nội mở rộng sẽ có diện tích 3.324,92 km2 với dân số gần 6 triệu người, có 29 đơn vị hành chính quận, huyện, 575 đơn vị xã, phường, thị trấn.
-
9h15
Cứ 100 doanh nghiệp lập mới thì 77 đơn vị phá sản
Góp ý thảo luận, đại biểu Trần Văn Tiến muốn Chính phủ giải trình rõ "động lực tăng trưởng GDP 2018 do đâu", khi một số chỉ tiêu như dịch vụ, tăng năng suất lao động, đóng góp các nhân tố tổng hợp (TFP) thấp hơn 2017 và không đạt mục tiêu 2018; giải ngân vốn ngân sách 3 năm chưa năm nào đạt mục tiêu...
"Ngân sách thu năm 2018 ước vượt 3% dự án, nhưng tăng ở lĩnh vực nào là chính, vì sao khoản thu ngân sách từ 3 khu vực kinh tế chính lại không đạt?", ông hỏi.
Đại biểu này cũng cho rằng cần làm rõ việc cứ 100 doanh nghiệp lập mới thì 77 phá sản, "vì sao số doanh nghiệp phát triển chững lại, số giải thể tăng cao trong khi môi trường kinh doanh được báo cáo là đang đẩy mạnh cải thiện. "Với đà này mục tiêu đạt một triệu doanh nghiệp có đạt được?", ông lo lắng.
-
9h07
Đại biểu Lại Xuân Môn đề cập đến sự kiện Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, ngay sau đó lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã gửi điện chúc mừng. "Qua đó khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế", ông nói.
Theo ông Môn, với khí thế mới từ việc nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra, Trung ương cần phân cấp mạnh hơn cho địa phương, nhất là trong đầu tư phát triển.
Ông cũng cho rằng Việt Nam cần theo dõi sát cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và có kịch bản kịp thời cho nền kinh tế.
-
8h50
Xây chung cư trong nội đô phải gắn với hạ tầng kỹ thuật, xã hội
Về vấn đề xây dựng chung cư trong nội đô, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng chung cư hiện đại là cần thiết nhưng phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội, kỹ thuật mới giảm thiểu hệ luỵ phát sinh do dân số nội thành tăng nhanh, gây ách tắc giao thông như vừa qua.