Sáng 26/10, thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu đánh giá cao việc các chỉ tiêu đề ra cho năm 2018 đã đạt và vượt, đồng thời nêu nhiều vấn đề nóng đề nghị Chính phủ xem xét, đề ra giải pháp xử lý.
Là đại biểu tỉnh Đồng Nai, ông Dương Trung Quốc cho biết dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành bao gồm việc giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình đã được bàn rất kỹ tại Quốc hội nhưng hiện có dấu hiệu chậm trễ. Ông nói: "Dân chờ đợi, chính quyền địa phương sẵn sàng, tiền đã có trong túi nhưng từ tháng 5 đến nay văn bản về dự án khả thi giải phóng mặt bằng vẫn chưa được thông qua".
Ngoài ra, theo ông Quốc, từ thực tế các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP HCM cho thấy công trình càng kéo dài sẽ càng phức tạp và khó khăn. Vì vậy, ông mong Thủ tướng chỉ đạo sớm triển khai để dự án sân bay Long Thành thành hiện thực.
Cũng đề cập đến hạ tầng giao thông, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an Nghệ An bày tỏ bức xúc vì dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ đồng vừa mưa vài trận đã hỏng; dự án đường sắt Hà Đông - Cát Linh đội vốn hơn 18.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành 2013 nhưng đã quá 6 năm vẫn chưa vận hành.
Còn dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên (TP HCM) cũng đội vốn hơn 47.320 tỷ , tăng 273%, và hiện mới hoàn thành 52% khối lượng công việc. Theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ Giao thông có 27/42 dự án điều chỉnh tăng thêm vốn, tương đương 97,2 triệu USD.
"Tình trạng điều chỉnh vốn như vậy, thời gian kéo dài, thất thoát lãng phí là điều có thể xảy ra. Cử tri đòi hỏi Chính phủ xử lý nghiêm những sai phạm này, nếu không tới đây Nhà nước giao Bộ Giao thông xây dựng dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam với vốn đầu tư cả trăm nghìn tỷ đồng thì thất thoát lớn là điều khó tránh", ông nói.
Đề xuất chi 15.000 tỷ xây 3 cây cầu ở phía Nam
Đại biểu Dương Minh Tuấn đánh giá, trong nhóm 5 cảng biển gồm cảng Long An, Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải... thì riêng cảng Cái Mép - Thị Vải đã nộp ngân sách 90.000 tỷ đồng trong 5 năm. Trung ương thu trên 90.000 tỷ nhưng chi đầu tư hơn 5.700 tỷ đồng, khoảng 6%.
"Nghĩa là Trung ương bỏ ra 6 tỷ nhưng thu về 100 tỷ", ông nói. Tuy nhiên công suất khai thác của cảng này chỉ khoảng 40%, trong khi đây là cảng trung chuyển của khu vực. Nguyên nhân chính được ông Tuấn chỉ ra là chi phí logistic cao, kết nối thiếu đồng bộ giữa đường bộ, cảng biển...
Tại vùng trọng điểm kinh tế phía Nam có 2 tuyến cao tốc là Long Thành - Bến Lức và Trung Lương - Long Thành - Dầu Giây, nhưng hiện chưa có cầu kết nối giữa cao tốc với cảng biển phía dưới. Vì thế, ông Tuấn đề nghị, nên xây dựng thêm cầu nối từ cảng lên các tuyến cao tốc, để tăng giá trị khai thác, tạo đồng bộ trong kết nối giao thông. Ước tính 3 cây cầu nối vào 2 tuyến cao tốc trên khoảng 15.000 tỷ đồng.
"Hệ thống kết nối đồng bộ hơn, chi phí logistic sẽ giảm hoặc tương đương, năng lực cạnh tranh được nâng cao", ông nói.
Đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tính toán, bỏ vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hệ thống 3 cây cầu tại đây sẽ thu về khoảng 24.000 tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm, tăng công suất khai thác cảng Cái Mép - Thị Vải lên gấp đôi hiện nay, khoảng 80%.
"Một năm thu dầu, khoáng sản đạt 45.000 tỷ, nhưng chỗ này bỏ 15.000 tỷ đồng sẽ thu về 24.000 tỷ, tỷ suất thu rất lớn", ông góp ý.
Chính quyền phải chịu trách nhiệm vụ rừng phòng hộ Sóc Sơn
Một vấn đề xã hội nhức nhối cũng được nhà sử học Dương Trung Quốc kiến nghị Thủ tướng có lộ trình chấm dứt "cái gọi là phạt cho tồn tại". Theo ông, phạt cho tồn tại là sự tích tụ, huỷ hoại luật pháp và phá hoại bộ máy công quyền. Như vụ diễn ra ở Hải Phòng, cả khu đất quốc phòng rộng 14,2 ha ở quận Hải An mà qua tay xã hội đen đã trở thành đô thị trước sự bất lực của chính quyền; hay vụ việc biệt thự, nhà dân mọc lên hàng loạt ở khu vực rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội).
"Rõ ràng bộ máy chính quyền phải chịu trách nhiệm, vì chắc chắn không có gì lọt qua mắt nhưng sẽ có những cái lọt qua tay", ông Quốc nói.
Về báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, ông Dương Trung Quốc nhận xét vấn đề an ninh quốc phòng "viết rất nhẹ nhàng", nêu vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ song hai chữ biển Đông không được nhắc đến.
"Biển Đông là không gian lãnh thổ, lợi ích cốt lõi của đất nước. Việt Nam không những bảo vệ chủ quyền mà còn đấu tranh đòi lại chủ quyền. Chúng ta cùng với thế giới quan tâm đến lợi ích chung về việc bảo đảm tự do hàng hải, hàng không ở đây", ông nói và cho rằng báo cáo của Chính phủ sẽ có tầm quan trọng khi người dân thấy ở đó hai chữ biển Đông.
Báo cáo của Chính phủ, theo ông Quốc cũng cần bổ sung thực tế xung đột thương mại Mỹ - Trung tác động trực tiếp đến Việt Nam ra sao. Theo ông, dự báo của các nhà nghiên cứu cho thấy Việt Nam có khả năng hưởng lợi hoặc chịu hại tuỳ thuộc vào "ứng xử của chúng ta", nhưng hầu như điều này chưa được báo cáo của Chính phủ nhắc tới.
Chiều nay 26/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về kinh tế - xã hội.
Theo đại biểu Dương Trung Quốc, có một sự việc nhiều cử tri vẫn hỏi là "đã một năm trôi qua, câu hỏi của anh ở Quốc hội đã có ai trả lời chưa". Cụ thể, cách đây một năm, ông Quốc đã đề cập đến việc liên quan đến vụ Đồng Tâm là cụ Kình - một cụ già 82 tuổi được cho "tự làm gãy chân của mình".
Trong khi cụ Kình đã có văn bản gửi lên rằng, nếu đó là kết luận chính thì cụ sẽ mắc tội nặng là vu khống cho cơ quan chức năng và đề nghị xử làm rõ.
"Văn bản của cụ tôi biết đã gửi Uỷ ban Tư pháp nhưng đến nay chưa nhận được trả lời. Chuyện tưởng nhỏ nhưng lòng tin của người dân thì mất nhiều. Những chuyện đó tôi cho là phải trả lời ngay, công khai với tinh thần cầu thị. Mọi sai lầm chúng ta đều có thể khắc phục nếu được người dân chia sẻ. Tôi mong Chính phủ, Thủ tướng không chỉ quan tâm đến những vấn đề lớn mà cả những vấn đề nhỏ để có sự phát triển bền vững hơn", ông Quốc nói.