Thảo luận ở tổ về tình hình phát triển kinh tế xã hội chiều 23/10, các đại biểu Quốc hội cho rằng, báo cáo của Chính phủ cho thấy tín hiệu khả quan của nền kinh tế năm nay. Nhưng vẫn có những dữ liệu khiến không ít đại biểu lo lắng.
"Nợ Chính phủ đã sát trần 50% GDP Quốc hội cho phép", ông Trần Hoàng Ngân mở đầu phát biểu.
Theo báo cáo Chính phủ, tỷ lệ nợ công trên GDP có xu hướng giảm dần các năm gần đây, như năm 2017 là 62,6% GDP; năm 2018 là 61,4% GDP và dự kiến năm 2019 khoảng 61,3% GDP. Tuy nhiên, ông Ngân cho biết, nợ công (nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) giảm, nhưng trong đó nợ Chính phủ lại tăng, hiện khoảng 52,8% GDP trong khi trần là 54% GDP. Điều này đồng nghĩa khoản tiền trả nợ gốc hàng năm của Chính phủ tăng lên.
Ông Ngân tính toán, năm 2016 tiền trả nợ gốc là 150.700 tỷ đồng; năm 2017 trên 157.000 tỷ và dự kiến 2019 khoảng 201.210 tỷ đồng. Nếu cộng với con số bội chi ngân sách khoảng 204.000 tỷ, thì mỗi năm Chính phủ phải bù đắp khoảng 350.000 tỷ đồng, đẩy nợ Chính phủ tăng về số tuyệt đối.
"Nếu GDP không đạt kế hoạch, nợ tiếp tục tăng thì nợ công sẽ vượt trần, nhưng điều lo lắng là nợ chi trả của Chính phủ", ông Ngân nhấn mạnh.
Xu hướng nợ Chính phủ tăng, nhất là nợ nước ngoài quốc gia tiến sát trần cũng được Uỷ ban Tài chính Ngân sách cảnh báo trong báo cáo thẩm tra kinh tế xã hội 2018. Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng, các chỉ tiêu này còn trong giới hạn cho phép nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro.
Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng cho rằng, chỉ trường hợp có tăng thu ngân sách thì mới được tăng chi và sử dụng dự phòng chung của ngân sách, không điều chỉnh tăng mức bội chi ngân sách Nhà nước, trần đầu tư công, trần nợ công đã được Quốc hội quyết định (trừ trường hợp tăng thu của các địa phương). Vì vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm các biện pháp đã đề ra để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Xung đột thương mại Mỹ - Trung "lo ngại nhiều hơn thuận lợi"
Đề cập tới cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ông Phạm Phú Quốc - Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM cho rằng, cuộc xung đột này chắc chắn đem lại "nhiều lo ngại hơn là thuận lợi".
Ông phân tích, nước Mỹ đang đi theo hướng bảo hộ mậu dịch kể từ sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, hướng mũi tên vào các nước xuất siêu sang Mỹ. Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, ông cho hay, tới cuối tháng 9 Việt Nam xuất siêu sang Mỹ hơn 20 tỷ USD. "Nếu Mỹ nhìn lại vấn đề xuất siêu của Việt Nam thì chúng ta sẽ rất kẹt", ông cảnh báo.
Ngoài ra, trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang, đồng nhân dân tệ mất giá trước USD thì cơ quan điều hành tiền tệ cũng phải tính toán giá đồng Việt Nam để có lợi về tỷ giá, thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.
Trong khi đó, ông Trần Hoàng Ngân lại cho rằng, căng thẳng thương mại giữa 2 cường quốc lớn sẽ phần nào tác động tới vĩ mô một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đảm bảo trên nền tảng vĩ mô ổn định, thể hiện lạm phát kiểm soát dưới 4% trong ba năm liên tiếp. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư liên tục 5 năm, dự trữ ngoại hối đạt 60 tỷ USD.
Khi Mỹ bắt đầu áp thuế lên hàng hoá Trung Quốc, đồng nhân dân tệ mất giá, VND có dao động chút ít. Song, do lượng dự trữ ngoại hối tương đối lớn, 60 tỷ USD, đủ để Ngân hàng Nhà nước can thiệp thị trường, ổn định tỷ giá. Từ đầu năm đến nay tỷ giá ngoại tệ vẫn tăng trong biên độ cho phép 3%.
Báo động lập doanh nghiệp ma, trốn thuế rồi phá sản
Một vấn đề khác cũng khiến các đại biểu tỏ ý lo ngại là số lượng doanh nghiệp phá sản tăng cao thời gian qua với gần 50.000 doanh nghiệp.
Ông Trần Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho rằng, số liệu doanh nghiệp phá sản tăng 50% so với cùng kỳ 2017 thực sự báo động. Điều này cho thấy hiệu quả cải cách môi trường kinh doanh chưa như kỳ vọng. Chung lo lắng, ông Phạm Phú Quốc - Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM nhìn nhận, Chính phủ cần nhận diện thực tế này để có giải pháp khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Tuy nhiên, dưới góc độ phân tích của một luật sư, ông Trương Trọng Nghĩa lại cho rằng, còn có lý do khác trong chuyện doanh nghiệp phá sản số lượng lớn chứ không đơn thuần vì môi trường kinh doanh cải thiện chưa như kỳ vọng.
Theo đại biểu TP HCM, đang có hiện tượng lập doanh nghiệp chỉ nhằm mục đích mua bán hoá đơn, trốn thuế rồi sau đó giải thể và lại lập đơn vị mới. Hiện tượng này xảy ra trong thực tế, lặp đi lặp lại mà không có sự kiểm soát.
"Trong số hơn mấy chục nghìn doanh nghiệp đóng cửa, giải thể có không ít là doanh nghiệp ma. Họ lập ra để buôn bán hoá đơn, nợ thuế rồi tự mình đóng cửa, rồi lại lập doanh nghiệp mới và lặp lại chu trình trên", ông Nghĩa nói, và đề nghị Chính phủ rà soát để đánh giá đúng hiện tượng này.
Nguyễn Hoài