Thảo luận tại Quốc hội sáng 15/6, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nêu ý kiến trên góc độ là "người làm công tác pháp luật mấy chục năm, từng tham mưu cho công tác cải cách tư pháp".
Tiếp mạch tranh luận của một số đại biểu trên nghị trường hôm 13/6 về "nhiều vụ án vừa qua gây bức xúc, nghi ngờ trong nhân dân về tính đúng đắn trong phán quyết của tòa án", ông Nhưỡng cho hay "đêm qua tôi nhận được rất nhiều tin nhắn, điện thoại của cử tri, trong đó có vị là lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu, nói rằng chưa bao giờ thấy niềm tin vào tư pháp Việt Nam thấp như bây giờ".
"Những sai lầm của tố tụng thì đừng đổ lỗi cho đại biểu Quốc hội là nêu ý kiến làm rối", Phó ban Dân nguyện nói về đề nghị cần có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa đối với công tác tư pháp, đồng thời Quốc hội có chuyên đề riêng về việc giải quyết các vụ án nghiêm trọng.
Đăng đàn tranh luận lại quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, nói: "Lĩnh vực tư pháp thời gian qua tuy rằng có một số sai sót nhưng mấy chục năm qua, từ khi chúng ta cải cách tư pháp, lĩnh vực này đã có thành tựu góp phần ổn định xã hội, giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh. Nếu chỉ lấy vài việc này, việc kia để đánh giá ngành tư pháp là không nên".
Ông Quyền cho rằng, điều quan trọng nhất là làm thế nào để hoạt động của các cơ quan tư pháp có chất lượng tốt hơn, tránh oan sai cho dân. "Tôi tin rằng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã có chỉ đạo để đưa nền tư pháp tốt lên", ông nói.
Cùng tham gia tranh luận với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương không đồng tình với nhận định "chưa bao giờ uy tín của ngành tư pháp xuống thấp như bây giờ".
Ông Cương băn khoăn, "quan điểm này được coi là có cơ sở hay không, vì đại biểu Nhưỡng chỉ dựa vào ý kiến của một số cá nhân qua điện thoại".
"Nhận định trên tôi cho rằng là phủ định sạch trơn nền tư pháp", ông Cương nói và đề nghị các cơ quan nhà nước có cơ chế thông tin chính thống đến đại biểu Quốc hội để khi thảo luận có thể đưa ra nhận định chính xác.
Phát biểu sau đó, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết các cơ quan chức năng đang tổng kết việc thực hiện hai nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và cải cách tư pháp.
"Cho đến giờ này, quá trình tổng kết khẳng định chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong cải cách tư pháp. Đặc biệt là về xây dựng thể chế, tổ chức bộ máy, đội ngũ cũng như các thể chế bổ trợ tư pháp và nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp", ông Bình nói.
Cuộc tranh luận trên nghị trường về những sai sót của ngành tư pháp thời gian qua đã thu hút nhiều ý kiến đại biểu tham gia, trong hai ngày Quốc hội thảo luận về kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước.
Sáng 13/6, đại biểu Hoàng Đức Thắng mở đầu cuộc tranh luận khi cho rằng, nhiều vụ án vừa qua gây bức xúc, nghi ngờ trong nhân dân về tính đúng đắn trong phán quyết của tòa án cũng như những vi phạm trong hoạt động tố tụng. Đơn cử vụ án Hồ Duy Hải, vụ lùi xe trên cao tốc, vụ án Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử tại TAND tỉnh Bình Phước... Theo ông Thắng, những vụ án này là :phần nổi của tảng băng chìm, gây xói mòn lòng tin của người dân vào hệ thống tư pháp".
Tuy nhiên sau đó, ông Phạm Hồng Phong, Phó chánh án TAND cấp cao tại TP HCM, phản biện rằng "không nên qua một vài thông tin mà đưa ra nhận định thiếu cơ sở, để thế lực phản động lợi dụng, chống phá".