Thảo luận tại Quốc hội sáng 13/6, ông Hoàng Đức Thắng đánh giá cao báo cáo của Chính phủ cho thấy công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được những kết quả khiến nhân dân, dư luận xã hội phấn khởi, tin tưởng. Nhiều vụ án được đẩy mạnh điều tra, truy tố; đưa ra xét xử các vụ án kinh tế tham nhũng nghiêm trọng.
"Tuy nhiên, nhiều vụ án vừa qua gây bức xúc, nghi ngờ trong nhân dân về tính đúng đắn trong phán quyết của tòa án cũng như những vi phạm trong hoạt động tố tụng. Đơn cử vụ án Hồ Duy Hải, vụ lùi xe trên cao tốc, vụ án Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử tại TAND tỉnh Bình Phước...", ông Thắng nói.
Điển hình là vụ buôn lậu gỗ gỗ tại Quảng Trị có nhiều dấu hiệu oan sai, vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong tố tụng và đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Trị đã giám sát, báo cáo. Cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng, Quảng Bình và nhiều đại biểu đã kiến nghị giám đốc thẩm vụ án, nhưng đến nay đã gần một năm các cơ quan có trách nhiệm chưa xem xét trả lời.
Việc vi phạm nghiêm trọng trong bán vật chứng vụ án đã khởi tố hơn một năm nay, nhưng chưa được đưa ra xét xử, trong khi đó người dân phải chấp hành án phạt tù trong sự "đau khổ, uất ức, của cải bị bán, bị tịch thu, người thì uất ức thắt cổ tự tử, người còn lại vào vòng tù tội, đang tiếp tục kêu oan".
"Có thể nói đấy là phần nổi của tảng băng chìm, gây xói mòn lòng tin của người dân. Điều này cũng thôi thúc Quốc hội quyết liệt hơn nữa trong giám sát để củng cố niềm tin của người dân, góp phần làm trong sạch các cơ quan tố tụng", ông Thắng đề nghị.
Tranh luận với quan điểm trên, ông Phạm Hồng Phong, Phó chánh án TAND cấp cao tại TP HCM, khẳng định khi xét xử thì hội đồng xét xử phải đọc hồ sơ nhiều ngày, kiểm tra lời khai, chứng cứ, tranh tụng tại phiên tòa rồi mới đưa ra được phán quyết. "Chúng ta không nên qua một vài thông tin mà đưa ra nhận định thiếu cơ sở. Hơn nữa, nhiều thế lực phản động đang lợi dụng để chống phá, đòi tam quyền phân lập nên chúng ta phải hết sức cảnh giác", ông Phong nói.
Ông Phong phân tích tiếp, trong hoạt động xét xử có hai cấp là sơ thẩm và phúc thẩm. Khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, nếu người tham gia tố tụng cho rằng có sai phạm thì có quyền khiếu nại giám đốc thẩm, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét. Cơ quan của Quốc hội có thể lập đoàn giám sát để xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật.
"Không nên vì một vài vụ để đánh giá bản chất của một nền tư pháp là chưa phù hợp. Tôi chia sẻ bức xúc của gia đình nhưng không nên mang bức xúc để giải quyết sự vụ một cách thiếu suy nghĩ chín chắn mà cần tiếp tục thực hiện các bước còn lại theo quy định pháp luật", ông Phong nói.
Không tán đồng với quan điểm này, đại biểu Hoàng Đức Thắng đã xin phép tranh luận với ông Phong. Ông khẳng định, việc "nói lại" này nhằm để Quốc hội và quốc dân được rõ những điều ông phát biểu. Đại biểu Quốc hội phải "làm tròn trách nhiệm là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không được vô cảm trước nhân dân, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh".
"Những gì tôi phát biểu sáng nay là xuất phát từ trách nhiệm, tình cảm vì dân, vì công lý để xây dựng chung, trong đó có cơ quan tư pháp. Phát biểu của đại biểu Phong vô hình trung khiến đại biểu và cử tri hiểu nhầm rằng đại biểu Quốc hội nói theo dư luận, thế lực phản động, có dụng ý xấu", ông Thắng phản biện.
Ông Thắng cũng nhấn mạnh, muốn không để thế lực thù địch lợi dụng chống phá thì "chúng ta phải sửa mình cho tốt, không được làm sai, làm trái thì ai chống phá chúng ta được". "Tôi chắc rằng ngành tòa án không thể tránh khỏi khuyết điểm, thậm chí là sai phạm. Tôi dẫn các vụ án gây xôn xao và hoài nghi dư luận trong nhân dân là có thật. Tôi không đánh giá việc xử lý là đúng hay sai. Nhưng đây là thông tin để ngành tư pháp kiểm tra xem có đúng hay không, nếu đúng thì phải sửa", ông Thắng nói, khẳng định vụ buôn lậu gỗ được đoàn đại biểu tỉnh theo dõi suốt hai nhiệm kỳ nên có cơ sở để kiến nghị Quốc hội.
Tham gia tranh luận, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng "đại biểu Hồng Phong nói bản chất chế độ ở Việt Nam không có tam quyền phân lập là hoàn toàn đúng, vì thế mới có Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất làm nhiệm vụ giám sát hành pháp, tư pháp". Để thực thi quyền giám sát, Quốc hội thành lập cơ quan kiểm toán để giám sát về tài chính ngân sách, lập Viện kiểm sát nhân dân tối cao để giám sát việc chấp hành pháp luật. Vì vậy, đại biểu phát biểu về hành pháp, tư pháp trong đó có vụ án cụ thể phản ánh băn khoăn của cử tri và trách nhiệm của đại biểu.
Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước quy định cơ quan quyền lực nhà nước có sự phân công, phối hợp, kiểm sát lẫn nhau. Quốc hội giám sát hành pháp, tư pháp là thực hiện đúng quyền hiến định, chức năng, đường lối của Đảng và nguyện vọng của nhân dân. Tuy có quy định tư pháp là cao nhất nhưng luật cũng quy định Viện kiểm sát có quyền kiểm sát tư pháp kể cả ở giai đoạn cao nhất là sau khi có bản án giám đốc thẩm. Luật quy định sau khi có bản án giám đốc thẩm của tòa án nhân dân tối cao thì Ủy ban Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thường vụ Quốc hội có quyền ý kiến, Quốc hội có quyền giám sát tối cao, kể cả những vụ đã có quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao.
Ông Nghĩa không đồng tình ý kiến cho rằng thế lực thù địch có thể lợi dụng để chống phá khi nêu khuyết điểm của cơ quan nhà nước vì Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Có những cán bộ tưởng rằng công khai phê bình khuyết điểm của mình sẽ có hại vì kẻ địch lợi dụng phản tuyên truyền, giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền. Nhưng khuyết điểm cũng như chứng bệnh, phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc".
"Nếu không muốn kẻ địch phản tuyên truyền thì không gì hơn là đánh giá sửa chữa khuyết điểm. Một khi đã phạm khuyết điểm thì bưng bít người ta cũng biết", ông Nghĩa nói và dẫn lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "không phải cứ đỏ mà là tưởng chín".