Trước thông tin Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết trong phiên thảo luận sáng nay, về việc Chính phủ dự kiến dành 16.000 tỷ đồng ngân sách 2013 để chi cho cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư, đánh bắt xa bờ, Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) cho rằng cần phải dành kinh phí nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, để có thêm nguồn lực cho ngư dân, cảnh sát biển, ông đề nghị Quốc hội ra nghị quyết chuyên đề về siết chặt kỷ luật thu chi ngân sách, từ trung ương đến địa phương.
Theo ông, các địa phương cần tạm dừng những dự án chưa thực sự bức xúc để tập trung nguồn lực cho quốc phòng an ninh, thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. "Nghiêm cấm mua xe công, hạn chế tối đa hội nghị, hội họp, lễ hội, giảm thiểu các đoàn đi nước ngoài. Tôi hứa, từ nay đến hết nhiệm kỳ nếu trời cho sống tôi sẽ không đi nước ngoài nữa", ông Đương thẳng thắn nói.
Lời hứa chân thành của vị đại biểu TP HCM nhận được sự ủng hộ của nghị trường. Phát biểu sau đó, Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) cũng cho rằng 16.000 tỷ đồng dành riêng cho biển đảo là chưa đủ và đề nghị cắt phần lớn các khoản chi tiêu thường xuyên như giao tế, tiếp khách, mua sắm, đi lại...
Theo ông, cắt những khoản này cử tri mới thấy Quốc hội quyết tâm rất mạnh mẽ và không chỉ có 16.000 tỷ đồng để xử lý những vấn đề đặt ra ở biển Đông. "Có cử tri nói, các anh đi lại tham quan học tập kiểu gì hay mời mõ, trả nợ miệng với nhau bằng tiền ngân sách đóng thuế", ông Lịch nói thằng dù biết có thể gây mất lòng.
Báo cáo trước Chính phủ và các địa phương cuối năm 2013, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, năm 2012 có 3.780 đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài và năm 2013 dù có giảm nhưng vẫn tới hơn 3.200 đoàn xuất ngoại. Như vậy, ước tính mỗi ngày có hơn 8 đoàn đi công tác nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước. Theo ông Minh, vấn đề ở chỗ có một số đoàn đi không hiệu quả và bị trùng lặp nội dung tham quan. "Số đoàn này chủ yếu đi với tư cách nghiên cứu. Nhiều nước bạn phản hồi, có vấn đề vừa trả lời đoàn này, một thời gian ngắn sau lại có đoàn khác sang hỏi câu tương tự. Điều này gây nên sự lãng phí tiền của đất nước”, ông Minh nói.
Mặc dù đã hết thời gian phát biểu nhưng vị đại biểu là chuyên gia kinh tế này vẫn xin nghị trường thêm 30 giây để nhấn mạnh rằng, vấn đề tài chính công vốn rất đáng lo ngại từ trước đến nay. Theo ông, nếu không có sự kiện biển Đông, những vấn đề về nợ công, bội chi có thể còn khó lường hơn. "Tôi đề nghị, nhân sự việc này cần làm thật mạnh mẽ vấn đề tài chính công", ông Lịch nói.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cũng bày tỏ lo lắng về tình hình bội chi ngân sách cao. "Tốc độ tăng nợ công còn nhanh hơn cả tốc độ tăng của tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách Nhà nước, áp lực trả nợ ngày càng lớn hơn", bà An nêu lo lắng.
Thanh Lan - Hoàng Lan