Chất vấn Bộ trưởng Công Thương sáng 7/11, ông Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cho rằng các phần trả lời chiều 6/11 của ông Trần Tuấn Anh chưa chỉ ra được lỗ hổng lớn về pháp lý, nhất là thiếu quy định thế nào là hàng "made in Vietnam". Theo ông, chính sự thiếu minh bạch này khiến doanh nghiệp như Asanzo không biết mình có vi phạm hay không, đẩy người dân, doanh nghiệp vào thế rủi ro.
"Kinh tế Việt Nam là kinh tế mở hay kinh tế hở? Doanh nghiệp Việt Nam chết ngay trên sân nhà là điều đang diễn ra và giải pháp là gì", đại biểu Sinh chất vấn.
Ông Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương nhận xét, phần trả lời trước đó của ông Trần Tuấn Anh mới "mô tả quy trình với khó khăn, phức tạp mà vẫn chưa ra được Thông tư về xuất xứ hàng hoá Việt Nam tiêu thụ tại thị trường nội địa". Ông và cử tri chờ câu trả lời xác thực hơn và cụ thể là bao giờ ban hành được Thông tư này.
"Việc ban hành Thông tư là quyền của Bộ trưởng, xong hay không phụ thuộc vào quyết tâm của Bộ trưởng. Thương chiến Mỹ - Trung đang diễn biến phức tạp, Việt Nam có thể bị ảnh hưởng rất lớn, mong Bộ trưởng đừng thờ ơ", ông chất vấn.
Đáp lại sau đó, ông Tuấn Anh một lần nữa nhắc lại tinh thần quyết liệt của ngành trong chống hàng giả, buôn lậu. Ông cũng cam kết "làm hết trách nhiệm, chứ không phải thiếu kiên quyết, thờ ơ" để xây dựng thông tư quy định về hàng hóa Việt Nam tiêu thụ trong nước.
"Cuối năm nay, Bộ sẽ phối hợp cùng Bộ Tư pháp rà soát để đảm bảo văn bản này khi ban hành đi vào cuộc sống được", ông Trần Tuấn Anh nói.
Việc thiếu quy định thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam (cho tiêu thụ nội địa) là một trong những vấn đề gây tranh cãi trong nghi án Công ty Asanzo bán hàng Trung Quốc nhưng dán mác Việt Nam. Đến nay, cơ quan quản lý vẫn chưa thể kết luận Asanzo có dấu hiệu giả mạo xuất xứ (với hàng nội địa) hay không.
Cuối tháng 7, sau hơn một năm tham vấn ý kiến, Bộ Công Thương đưa ra bản dự thảo Thông tư trong đó có những quy định thế nào là hàng nội địa "made in Vietnam". Theo đó, hàng hóa của Việt Nam gồm hàng thuần túy sản xuất trong nước (khoáng sản, cây trồng, vật nuôi...) và hàng hóa không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam. Trường hợp hàng có xuất xứ không thuần túy được xác định dựa trên các tiêu chí về chuyển đổi mã số hàng hóa (mã HS), hoặc hàm lượng giá trị gia tăng dựa trên các yếu tố như nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất, chi phí nhân công, chi phí nhà xưởng...
Tuy nhiên, sau đó Bộ Tư pháp cho rằng, văn bản này nên ban hành dưới hình thức nghị định, thay vì thông tư. Đồng thời, đại diện cơ quan này đề nghị Bộ Công Thương rà soát lại cùng với Nghị định 31, Thông tư về ghi nhãn hàng hoá đã có trước đây, tránh sự trùng lắp, hay sao chép.
Nguyễn Hoài