Ngày 30/10, góp ý về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, ông Đinh Ngọc Minh (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội), cho rằng kế hoạch lần này khác biệt lớn so với giai đoạn 2016-2020 là tái cơ cấu trong bối cảnh đại dịch; việc phục hồi nền kinh tế của Việt Nam cần triển khai nhanh và sớm bằng cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Ông Minh đưa ra một số kiến nghị, trong đó có việc Quốc hội ban hành gói kích cầu khoảng 10% GDP để phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho nền kinh tế, bao gồm đường cao tốc, cảng biển, sân bay kết nối các đường sắt với hai cảng biển chính là cảng Hải Phòng và cảng Cái Mép -Thị Vải. "Gói kích cầu này sẽ đạt được mục tiêu kép là xây dựng nền tảng hạ tầng kinh tế lớn và tạo việc làm", ông nói.
Ông Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) cũng nhìn nhận nên đầu tư cho hạ tầng, trong đó đầu tư cho giao thông luôn mở ra hướng phát triển các đô thị mới. "Các nước phương Tây thường có khu dân cư tách rời khỏi khu hành chính, thương mại. Họ đi lại bằng đường cao tốc. Khoảng cách giữa khu trung tâm và khu dân cư thường được tính bằng thời gian đi lại, chứ không phải tính bằng khoảng cách km", ông nói.
Theo đại biểu Cảnh, đường cao tốc dù dùng vốn ngân sách hay xã hội hóa cũng cần quan tâm đến việc sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên đường, dự phòng đường lên xuống phù hợp với phát triển đô thị, các khu sản xuất thương mại phục vụ lợi ích phát triển kinh tế - xã hội lâu dài.
"Tôi đề nghị Chính phủ có định hướng phát triển cao tốc, đường sắt tốc độ cao trong thời gian tới để các địa phương có kế hoạch phát triển quỹ đất hợp lý", ông Cảnh nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng Việt Nam cần có cơ chế tạo dựng được các tập đoàn trong nước mạnh, là trụ cột cho nền kinh tế, như công nghiệp đường sắt, công nghiệp vận tải, hậu cần biển...
"Nền kinh tế của chúng ta chưa có nhiều trụ cột", ông Cường nói, nêu thực tế vận tải đường sắt đô thị là một ngành rất cần thiết vì Việt Nam có nhiều đô thị lớn; trục Bắc Nam kéo dài cũng cần phải có hệ thống đường sắt cao tốc, nhưng lại "đang dùng tiền đi thuê nước ngoài xây dựng từng đoạn".
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững hơn. "Nếu chúng ta chậm một bước, sẽ có nhiều vấn đề đặt ra như không vượt qua bẫy thu nhập trung bình; không ứng phó được với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; không tiếp cận cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; không tận dụng được cơ hội mới đang hình thành sau đại dịch...", ông nói.
Bộ trưởng Dũng nêu rõ, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế sẽ không chỉ tập trung vào các ngành, các thành phần hay không gian kinh tế mà còn quan tâm đến các lĩnh vực quan trọng có tiềm năng, lợi thế để trở thành mũi nhọn mang tính lan tỏa, dẫn dắt, đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế.
Cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ thêm, giai đoạn tới, các vấn đề lớn sẽ được tập trung thực hiện gồm thể chế, chuyển đổi số và khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo... "Tất cả các bộ ngành, đặc biệt là người đứng đầu phải thấy được trách nhiệm của mình, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu để quyết tâm thực hiện, với tầm nhìn mới và phải vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, tư duy về lợi ích cục bộ để chống cát cứ, chia cắt", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói.
Hoàng Thùy - Viết Tuân