Quan điểm này được bà Nguyễn Thanh Hải nêu tại phiên họp cho ý kiến vào dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/2.
Lo lắng về quy định bán tài sản công tại dự Luật, bà Nguyễn Thanh Hải -Trưởng ban Dân nguyện cho rằng, nếu không bắt buộc đấu giá sẽ tạo kẽ hở, lách luật.
Nhắc lại báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đề cập thực tế một số nơi xảy ra thất thoát, lãng phí, nhất là với ôtô công khi thanh lý không qua đấu giá công khai. Đồng thời dẫn thông tin từ tài liệu về tuyên truyền công tác phòng chống lãng phí của Ban Tuyên giáo Trung ương, bà Hải cho biết sau khi áp dụng các quy định mới về chế độ trang bị sử dụng ôtô công dự kiến sẽ dôi ra khoảng 7.000 chiếc. Nếu tính từng xe, có thể giá trị nhỏ, nhưng 7.000 chiếc lại rất lớn.
"Nếu sắp xếp lại và thực hiện việc bán tài sản của Nhà nước theo quy định, tới đây dôi ra 7.000 chiếc mà đánh giá định lượng đó là tài sản có giá trị theo quy định của Chính phủ. Bán không qua đấu giá, không công khai, minh bạch thì tôi rất lo lắng về việc này”, bà Hải góp ý và đề nghị cân nhắc quy định về bán tài sản công.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính hồi đầu tháng 3, từ cuối năm 2015 đến nay cơ quan quản lý đã thực hiện thanh lý được hơn 1.100 ôtô. Số liệu mà cơ quan này tổng hợp từ các Bộ, ngành, địa phương thì tiền thu được của 761 xe là 35,15 tỷ đồng, tương đương bình quân mỗi xe thanh lý khoảng 46,12 triệu đồng.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng trong số 761 xe nêu trên, có 90 xe báo cáo đã thanh lý nhưng chưa có thông tin về số tiền thu được. Bên cạnh đó, có 9 xe thanh lý theo hình thức phá dỡ, 8 xe chuyển sang làm mô hình học cụ, sửa chữa ôtô, thiết bị dạy nghề... nên không thu được tiền. Ngoài ra, 183 xe được cho là đã quá cũ, lạc hậu (xe sử dụng từ năm 1996 trở về trước) nên khi thanh lý chỉ thu được tổng số tiền xấp xỉ 5,5 tỷ đồng, tức trung bình khoảng 30 triệu đồng một xe.
Cho rằng việc thanh lý xe công có giá thấp vừa qua là do đã không thực hiện đúng quy trình đấu giá, ông Phùng Quốc Hiển - Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quan điểm nhất thiết phải được đấu giá công khai minh bạch.
“Quản lý tài sản vừa qua chưa tiết kiệm, còn lãng phí là do thực tế phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong mua - bán, thanh lý tài sản công”, Phó chủ tịch Quốc hội nói.
Ngoài chuyện thanh lý tài sản công, các ý kiến thảo luận tại Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng không nên cấm việc biếu, tặng tài sản trong đó có ôtô của các doanh nghiệp.
“Không nên cấm việc biếu, tặng tài sản này”, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng thư ký Quốc hội nêu ý kiến.
Trưởng ban Dân nguyện - Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng nếu quà biếu, tặng mà không nhận để tăng tài sản Nhà nước thì lãng phí, nhưng không loại trừ có trục lợi hoặc động cơ từ sử dụng số tài sản này. “Không có một bữa ăn nào là miễn phí, tuy nhiên có nhiều nhà hảo tâm cho, biếu tặng nhưng cần có câu quét trong luật để tránh trục lợi”, Trưởng ban Dân nguyện góp ý.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách - ông Nguyễn Đức Hải dù quy định việc biếu, tặng đã được nêu trong Nghị định 29 và Quyết định 64 của Thủ tướng, song thực tế đã phát sinh tình trạng sử dụng không đúng tiêu chuẩn, định mức hoặc tài sản được biếu, tặng lại sử dụng vào mục đích cá nhân, gây dư luận không tốt cho xã hội. Vì thế, ông Hải đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài sản cho, biếu tặng ngay trong luật.
Khẳng định “không cấm việc cho biếu, tặng tài sản công trong đó có ôtô và tôn trọng quyền của doanh nghiệp”, song Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm thống nhất của Thường vụ Quốc hội, việc sử dụng tài sản này phải đúng mục đích, tiêu chuẩn. “Không thể tiêu chuẩn của anh chỉ được đi xe 1 tỷ, mà thực tế lại nhận và đi xe 3 tỷ thì không đúng rồi, sai là sai chỗ đó”, ông nói và nhấn mạnh, nếu sau khi nhận quà biếu, tặng mà thừa thì phải đấu giá xung công quỹ.
Cơ quan thường vụ của Quốc hội thống nhất đổi tên của dự Luật này là Luật quản lý tài sản công, và sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới.
Anh Minh