Sáng 27/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn bốn chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định hai chuyên đề giám sát tối cao, hai chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát.
Bốn chuyên đề gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023; Việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19/2017 đến hết năm 2023; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (chuyên trách Ủy ban Pháp luật) tán thành việc đưa chuyên đề về thị trường bất động sản, nhà ở xã hội vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội. Nguyên nhân là kế hoạch xây nhà ở xã hội chưa tốt; chỗ ở cho người dân, đặc biệt là người thụ hưởng chính sách còn khoảng cách rất xa với mục tiêu và nhu cầu đề ra.
"Có nơi xây nhà ở xã hội nhưng không có người đăng ký mua, trong khi nhiều nơi thì lại quá đông. Cách xác định trường hợp người mua nhà ở xã hội cũng còn dư luận khác nhau", ông Hoàn nói.
Đại biểu Hoàn cho rằng để phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu cần định hình rõ cơ chế chính sách, hỗ trợ đến đúng nhóm thụ hưởng, hạn chế thấp nhất việc trục lợi từ chính sách nhà ở xã hội. Nội dung giám sát của Quốc hội cần tập trung trả lời các câu hỏi: Ai đang sinh sống trong nhà ở xã hội? Tổ chức nào cung cấp nhà ở xã hội? Thực trạng quản lý, sử dụng nhà ở xã hội thời gian qua như thế nào? Mục tiêu, ý nghĩa của chính sách đạt kết quả ra sao?
Ông cũng đề nghị đoàn giám sát tối cao làm rõ chất lượng môi trường, cơ sở vật chất; tiêu chuẩn bảo trì, tình hình đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội của khu nhà ở xã hội. Đoàn cũng có thể mở rộng phạm vi giám sát để có đánh giá xuyên suốt quá trình phát triển nhà ở xã hội.
Thay vì giám sát từ năm 2015, đại biểu Hoàn đề nghị thời gian giám sát nên bắt đầu từ năm 2006 - thời điểm Luật Nhà ở 2005 có hiệu lực, cho đến hết 2023.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Phó đoàn Đại biểu Vĩnh Phúc) cũng cho rằng việc phát triển nhà ở xã hội đang gặp khó, đòi hỏi tháo gỡ nhiều cơ chế, chính sách. "Thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn và đóng băng trong mấy năm qua nên việc Quốc hội giám sát tối cao để nắm tình hình thực tế, đề ra giải pháp tháo gỡ là rất cần thiết", ông Mạnh nói.
Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 vào chiều 8/6.