Từ 15h chiều nay (1/6), giá xăng bán lẻ trong nước đã lập kỷ lục mới, vượt 31.000 đồng mỗi lít xăng RON 95. Giá xăng sinh học E5 RON 92 cũng tăng lên mức 30.230 đồng một lít. Đây là lần tăng giá thứ 5 liên tiếp của xăng trong chưa đầy hai tháng.
Giá xăng dầu trong nước liên tiếp phá kỷ lục. Tại kỳ họp đang diễn ra, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có ngay giải pháp bình ổn giá mặt hàng này, tránh hiệu ứng domino tới các mặt hàng khác.
Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu TP HCM lưu ý, giá xăng dầu là một trong hai biến số quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng bán lẻ trong nước tăng 10 lần, giảm 3 lần. Thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã giảm 50% từ đầu tháng 4 đến cuối năm nay, nhưng với đà tăng giá thế giới thì việc giảm thuế này được đánh giá như "muối bỏ bể".
Nếu giá cả tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân bởi hai năm đại dịch đã lấy đi phần tích lũy của họ. Nay lại gặp bão giá, người dân sẽ rất vất vả. Với doanh nghiệp, các chi phí đầu vào cũng tăng cao như chi phí vận chuyển, logistics...
Đồng quan điểm, ông Hoàng Văn Cường, Bùi Mạnh Khoa và nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ ngay tại kỳ họp đang diễn ra, trình Quốc hội xem xét, tiếp tục giảm thêm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với xăng, dầu.
Hiện, thuế suất thuế giá trị gia tăng với xăng dầu là 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng RON 95 cũng 10%. Việc giảm thuế xăng dầu có thể ảnh hưởng nguồn thu ngân sách, nhưng Việt Nam có thể tranh thủ xuất khẩu dầu thô để bù đắp trong bối cảnh giá thế giới tăng.
"Giá dầu thế giới tăng cao hiện nay, tăng sản lượng khai thác và lọc hóa dầu trong nước không chỉ tăng hiệu quả khai thác gấp nhiều lần so với thời điểm giá thấp, mà còn tạo nguồn cung trong nước ổn định", ông Hoàng Văn Cường nói.
Còn ông Ngân bình luận, phải biết hy sinh ngân sách trước mắt để được lâu dài. Bộ Tài chính sợ thất thu vì giảm thuế thì có thể gặp thất thu nặng hơn nếu không giảm. Bởi lạm phát bùng nổ, các khoản chi ngân sách sẽ tăng lên rất nhanh, như chi đầu tư công sẽ phải tăng theo giá cả.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội chiều 1/6, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng giá xăng Việt Nam hiện thấp hơn giá thế giới và một số nước trong khu vực, nên có tình trạng "chảy" xăng dầu ra nước ngoài.
Theo báo cáo bổ sung kinh tế xã hội của Bộ Công Thương, giá xăng Việt Nam thấp hơn Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... và đứng thứ 86 trên 170 quốc gia.
Cập nhật dữ liệu của GasPetroPrices ngày 30/5, giá bình quân thế giới ở mức 1,41 USD một lít. Giá xăng Việt Nam ở ngưỡng 1,348 USD mỗi lít. Với mức này, giá xăng Việt Nam thấp hơn mức bình quân thế giới. Còn so với một số quốc gia trong khu vực, có chung đường biên giới như Lào (1,654 USD), Campuchia (1,392 USD), Thái Lan (1,506 USD), Singapore (2,260 USD)... thì giá xăng Việt Nam thấp hơn.
Ông Diên đồng ý việc tăng giá xăng dầu sẽ làm tăng giá đầu vào vật tư, tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng tới triển khai chương trình phục hồi kinh tế. "Nhưng với độ mở kinh tế cao, nếu ép đầu vào thì giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị và sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế", Bộ trưởng Công Thương nói.
Ngoài ra, theo ông, Việt Nam hiện là đối tác thương mại của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, nếu ép giá đầu vào có thể mắc vào các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, thậm chí là kiện thao túng tiền tệ.
Bối cảnh giá xăng tăng cao kỷ lục, Bộ trưởng Công Thương cho hay "sẽ cố gắng dùng các công cụ, kể cả thuế, kiểm soát thị trường để giảm giá". Trường hợp giá xăng dầu tăng quá cao, có thể tính tới sử dụng chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế.
Liên quan vấn đề này, bên hành lang Quốc hội, ông Trần Văn Lâm, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách, cũng nhận xét kiểm soát giá xăng dầu không có nghĩa giữ giá mặt hàng này ở mức thấp.
Ông Lâm phân tích, nếu chênh lệch quá lớn giữa giá xăng dầu trong nước và thế giới sẽ tạo điều kiện cho buôn lậu. Tức là, xăng dầu nhập về rồi chảy ngược ra nước ngoài, trong khi Chính phủ phải bù lỗ việc nhập khẩu.
Hơn nữa, ông cho rằng chênh lệch giá quá lớn giữa xăng dầu trong nước và thế giới cũng không đảm bảo yếu tố cạnh tranh của thị trường tự do. Thị trường Việt Nam sẽ bị đánh giá không vận hành đúng cơ chế thị trường, hệ quả có thể đối mặt các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp...
Về lâu dài, ông Hoàng Văn Cường nhắc tới việc tạo nguồn cung trong nước ổn định thông qua tăng dự trữ quốc gia. Đây là cơ sở để bình ổn giá xăng dầu trong nước không quá "nhạy cảm" với biến động giá xăng dầu nhập khẩu trên thị trường quốc tế.
Ông Trần Văn Lâm cũng nhìn nhận, dự trữ quốc gia của Việt Nam về xăng dầu rất yếu, và đang bị trộn lẫn với dự trữ doanh nghiệp. Tỷ lệ dự trữ xăng dầu quốc gia chỉ đủ vài tuần tiêu dùng, nên tới đây cần tăng nguồn dự trữ này. "Dù thế nào cũng cần phải tăng dự trữ xăng dầu quốc gia mới đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng", ông nói.