Đánh giá này được Bộ Công Thương nêu khi đánh giá về tình hình cung ứng, điều hành giá xăng dầu trong nước, tại báo cáo đánh giá bổ sung tình hình phát triển kinh tế xã hội 2021, đầu năm 2022. Báo cáo được lập trước thời điểm điều chỉnh tăng giá xăng dầu lên hơn 30.000 đồng một lít vào ngày 23/5.
Cơ quan này lấy ví dụ giá bình quân xăng dầu thế giới ở ngày 11/5 là 1,3 USD một lít. Cùng thời điểm này, giá xăng RON 95 sau điều chỉnh tăng lên mức đối đa 29.988 đồng một lít, tương đương 1,3 USD. Tức là mỗi lít xăng trong nước bằng mức bình quân của thế giới khi đứng thứ 86 trong 170 quốc gia.
Với dữ liệu này, nhà điều hành cho hay, giá xăng Việt Nam thấp hơn một số nước trong khu vực, như Trung Quốc (1,35 USD); Thái Lan (1,43 USD); Campuchia (1,39 USD); Lào (1,74 USD); Hàn Quốc (1,53 USD).
Tuy nhiên, hiện giá thế giới đạt mức cao nhất 2 tháng qua nên các doanh nghiệp đầu mối dự báo trong đợt điều chỉnh giá xăng ngày 1/6, mặt bằng giá xăng kỷ lục mới có thể được thiết lập, lên 31.000 đồng một lít.
Giá thế giới tăng và gián đoạn nguồn cung trong nước từ quý I khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất, buộc liên Bộ Công Thương - Tài chính liên tục chi Quỹ bình ổn xăng dầu, ở mức 100-1.500 đồng một lít tuỳ loại. Việc này nhằm giúp giá xăng trong nước tăng thấp hơn giá thế giới.
Trong khi đó theo số liệu từ Bộ Tài chính, hết quý I năm nay Quỹ bình ổn xăng dầu âm khoảng 170 tỷ đồng. Hiện tổng quỹ chung đang dương vài trăm tỷ đồng, nhưng tại một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn thì đang bị âm quỹ. Ví dụ, Petrolimex âm 15 tỷ đồng Quỹ bình ổn xăng dầu tại ngày 23/5; PVOil âm hơn 1.012 tỷ đồng.
Nhu cầu xăng dầu quý II khoảng 5,2 triệu m3. Tổng nguồn từ các nhà máy lọc dầu trong nước, nhập khẩu... dự kiến khoảng 6,7 triệu m3. Trong số này, nguồn cung từ hai nhà máy lọc dầu khoảng 3,7 triệu tấn, nhập khẩu là 1,5 triệu tấn, chưa kể 2,4 triệu m3 Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nhập khẩu bổ sung. Với mức này, Bộ Công Thương khẳng định đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng quý II và tồn kho gối đầu sang quý III khoảng 1,5 triệu m3.
Tính chung, nhu cầu xăng dầu năm 2022 khoảng 20,7 triệu m3, trong đó sản xuất trong nước khoảng 14,4 triệu m3 và nhập khẩu gần 6,3 triệu m3.