Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 7/11, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, cách đây hơn 10 năm, hệ thống cáp treo đầu tiên ở Yên Tử cũng gây dư luận xã hội mạnh mẽ nhưng cuối cùng mang lại kết quả tốt.
“Ví dụ, trước kia lên Yên Tử có duy nhất con đường mòn. Một trong những băn khoăn mà hội đồng tư vấn của Bộ Văn hóa mà tôi có tham gia là bảo vệ hàng tùng. Rõ ràng nhờ cáp treo mà nó được bảo tồn thay vì để hàng vạn người đi bộ, qua lại khu vực này”, ông Quốc nói.
Theo ông, nếu chỉ nói chung chung là xây dựng cáp treo thì mọi người chưa hình dung ra. Vấn đề là làm như thế nào, chọn tuyến không tạo phản cảm, có thể đi vòng, thậm chí đầu tư nhiều tiền hơn để làm cột cao hơn. Ví dụ cáp treo không đi ngang qua đường hành hương hay công trình kiến trúc, hạn chế tối đa việc phá rừng để xây cáp.
“Bản thân cáp treo không có tội. Theo tôi cáp treo cách cửa hang 300 m là an toàn. Điều này không chỉ đơn giản bàn chuyện có làm hay không mà phương án cụ thể như thế nào, thẩm định ra sao. Nếu duy trì bảo tồn như một số ý kiến gần đây thì chỉ có người giàu, người có chuyên môn sâu mới được phép vào khám phá hang. Phương thức duy nhất là hạn chế số người vào, chứ không phải hạn chế người nghèo vào”, đại biểu Quốc nói.
Đại biểu Quốc cũng cho rằng việc xây dựng cáp treo biết khai thác sẽ tạo cơ hội để người dân có cái nhìn toàn cảnh từ trên cao mà nếu chỉ đi dưới đất thì không thể có được.
“Tôi không ủng hộ vô điều kiện cũng không cật lực phản đối. Vấn đề là làm như thế nào, quản lý di sản ra sao. Nhà đầu tư thường coi trọng việc khai thác, nhưng tôi nghĩ họ cũng hiểu giữ gìn được di sản đồng nghĩa với việc họ được hưởng lợi lâu dài. Nếu thấy được trách nhiệm của nhà đầu tư, cộng với quản lý nhà nước chặt chẽ, giám sát xã hội tích cực, tôi nghĩ chúng ta nên cho xây dựng công trình này" đại biểu Quốc nói.
Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, lâu nay việc giải quyết vấn đề bảo tồn di sản, di tích với phát triển kinh tế xã hội luôn là bài toán khó khăn.
Nếu như chỉ bảo tồn mà không phát triển kinh tế xã hội thì di sản kém ý nghĩa. Nhưng nếu phát triển nóng thì việc bảo tồn di tích sẽ gặp rất nhiều khó khăn, di sản sẽ mai một, khi đó sẽ không còn điều kiện để phát triển.
“Việc xây dựng cáp treo qua Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vào Sơn Đoòng theo tôi phải hết sức cân nhắc vì khi xây dựng chắc chắn sẽ ảnh hưởng, không nhiều thì ít tới sự hoang sơ, cái gốc của di sản thiên nhiên thế giới. Chúng ta phải hết sức cân nhắc nếu như phá đi vẻ nguyên dạng của di sản”, đại biểu Tiến nói.
Phó chủ nhiệm Ủy ban đề nghị Quảng Bình cần lấy ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, các nhà quản lý di sản, tham khảo ý kiến, kinh nghiệm quốc tế xem họ khai thác và bảo tồn di sản tầm cỡ thế giới như thế nào.
Theo ông Tiến, nếu cáp treo tạo thuận lợi cho người dân đi lại, thăm quan ở vị trí tương đối xa di sản thì cũng có thể nghiên cứu được. “Di sản phải là tất cả người dân hưởng thụ chứ không phải chỉ dành cho người có tiền, cho nên việc làm cáp treo để phục vụ đông đảo người dân cũng là ý tưởng tốt. Tuy nhiên như tôi nói phải cân nhắc làm ở vị trí nào để bảo tồn được di sản nhưng cũng tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng giá trị của di sản”, đại biểu Tiến nói.
Trước đó, ngày 4/11, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức họp báo về dự án cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng. Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu chiêm ngưỡng rừng nguyên sinh Phong Nha - Kẻ Bàng ở độ cao 50-250 m. Thông tin ngay lập tức gây xôn xao dư luận vì cho rằng sẽ ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và vẻ đẹp của cảnh quan.
Nam Phương