- UBND tỉnh Quảng Bình vừa cho phép nhà đầu tư khảo sát để xây dựng tuyến cáp treo trị giá 3.000 tỷ đồng ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nhằm phát triển du lịch, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Là một người yêu thiên nhiên, gắn bó với Phong Nha - Kẻ Bàng từ lâu, nên biết thông tin có dự án cáp treo ở đó tôi rất buồn. Di sản thiên nhiên thế giới là những nơi cần được bảo vệ nghiêm ngặt, tránh mọi hoạt động làm ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái và vẻ đẹp của cảnh quan. Tại những nơi như vậy, hình thức khai thác du lịch càng cần cân nhắc thận trọng hơn và phải đặt mục tiêu bảo tồn di sản lên hàng đầu chứ không phải là kinh tế.
- Theo ông, việc xây dựng cáp treo sẽ ảnh hưởng thế nào đến cảnh quan môi trường và địa chất của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng?
- Điều này tôi muốn nói chung cho các di sản thiên nhiên thế giới, không chỉ Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, mà cả Vịnh Hạ Long và Quần thể di sản Tràng An nữa. Nhiều khi đứng trước một cảnh đẹp, đưa máy ảnh lên chụp, bị vướng bởi một tuyến dây điện nhỏ, ta cũng đã cảm thấy rất khó chịu, huống hồ đứng trước một di sản thiên nhiên bị "vướng mắt" bởi cả một hệ thống cáp treo.
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng khi có tuyến cáp treo chắc chắn sẽ thu hút một lượng lớn du khách. Nhưng tiếng ồn của động cơ, lượng rác thải sinh hoạt khó kiểm soát đã được thấy ở các nơi vận hành cáp treo khác thực sự là điều đáng lo ngại với môi trường, nơi có đa dạng sinh học rất cao như ở Phong Nha - Kẻ Bàng.
Lo ngại lớn nhất là trong kế hoạch xây dựng có dự kiến xây nhà ga ở khu vực miệng hố sập thứ 2 của hang Sơn Đoòng, nhằm đưa du khách vượt hàng trăm mét xuống tham quan “Vườn Edam” - khu rừng nhiệt đới độc đáo phát triển trong hang. Nếu điều này xảy ra thì đó sẽ tổn hại với khu rừng do quá tải lượng người tới thăm.
Tiến sĩ Tạ Hòa Phương làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội, nghiên cứu về lĩnh vực Cổ sinh - Địa tầng. Ông cũng là Chủ tịch Hội Cổ sinh - Địa tầng Việt Nam, tham gia nghiên cứu khối đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng cùng các hang động trong đó từ năm 1990. Ông cũng là nhà địa chất Việt Nam đầu tiên đi xuyên qua hang Sơn Đoòng, năm 2013. |
- Cáp treo được nhiều nước hiện đại sử dụng rộng rãi, mang lại nhiều lợi ích du lịch, vậy tại sao ông lại cho rằng không phù hợp ở Phong Nha - Kẻ Bàng?
- Đúng là khai thác du lịch bằng cáp treo khá phổ biến trên thế giới và mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng thực tế, người ta cũng không áp dụng cáp treo với khám phá hang động, đặc biệt với những hang lớn và đẹp lộng lẫy như Sơn Đoòng, hệ sinh thái có các đặc điểm môi trường lý hóa đặc biệt, rất dễ bị tổn thương và hủy hoại bởi sự thăm viếng vượt quá sức chịu tải của nó.
Giếng karst Swallows ở Mehico có độ sâu 400 m, về bản chất cũng giống hố sập thứ 2 của Sơn Đoòng, và hẳn là rất thú vị nếu được đi cáp treo vào thăm thế giới bí ẩn phía dưới của nó. Nhưng người Mexico rất có ý thức bảo vệ di sản này. Họ chỉ cho phép tổ chức những cuộc nhảy dù mạo hiểm từ miệng xuống đáy giếng. Lượng du khách đặc biệt này thì rất hạn chế, vì không nhiều người có đủ can đảm và sức khoẻ để thực hiện những cú nhảy ngoạn mục đó.
Hang Lechuguilla ở Mỹ với các thạch nhũ cấu tạo từ thạch cao, được đánh giá là hang karst có hệ thạch ngũ đẹp nhất hành tinh đang được bảo vệ bằng cách đóng cửa đối với khách tham quan; chỉ có giới khoa học mới được vào nghiên cứu.
- UBND tỉnh cho biết, tuyến cáp dự kiến xây dựng chỉ đưa khách đến cách cửa động Sơn Đoòng 300 m chứ không phải thám hiểm bên trong hang, trạm cáp treo cũng tránh hố sập thứ 2?
- Tôi hy vọng dự án thực hiện đúng như vậy. Nếu đúng là ga cáp treo cuối cùng nằm cách cửa sau hang Sơn Đoòng khoảng 300 m, nó sẽ không tác động đáng kể gì tới độ bền vững của cấu trúc địa chất trần hang.
Trong khúc hang cuối cùng này có bộ xương một con thú móng guốc hóa thạch là đáng chú ý nhất. Nó là một điểm nhấn và có ý nghĩa rất lớn trong hành trình thám hiểm. Bộ xương nằm trên một quả đồi thạch nhũ nhỏ, nơi có rất nhiều viên ngọc động nằm lăn lóc. Cả hóa thạch và ngọc động đều là những đối tượng cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Các nhà tổ chức đã có phương án hữu hiệu nào để giữ gìn bảo vệ những di sản này không?
Gần như toàn bộ giá trị di sản của hang Sơn Đoòng là nằm trong chặng hang dài trên 8 km, phía dưới Bức tường lớn của Việt Nam (Great Wall of Vietnam) mà chắc chắn du khách nếu đi vào cửa sau sẽ không có điều kiện tiếp cận. Nếu du khách phải vượt qua chặng đường 3.872 mét của một đoạn cáp treo chỉ để đến cửa sau hang Sơn Đoòng, rồi đi vào khúc cuối này của hang thì thật chẳng bõ công.
- Còn nếu sử dụng cáp treo vào bên trong thì hang Sơn Đòng sẽ bị ảnh hưởng thế nào?
- Nhà đầu tư không đề cập việc xây nhà ga ở khu vực hố sập thứ hai nữa. Còn nếu xây thì sẽ rất nguy hiểm vì điểm này có nền địa chất không bền vững.
Hố sập thứ 2 có đường kính trên 100 m nằm ngay trên một đứt gẫy địa chất. Đây chính là đứt gẫy đã phá hủy, làm giập vụn đá, tạo điều kiện cho dòng nước ngầm hoạt động, hòa tan, rửa lũa và tạo thành hang karst khổng lồ này. Vị trí hình thành hố sập chính là nơi xung yếu nhất trong cấu trúc địa chất khu vực, trần hang còn rất mỏng so với những nơi khác. Nếu có tác động tại khu vực miệng hố sập thì nguy cơ sập lan tỏa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, một số thành tạo địa chất đặc biệt của hang Sơn Đoòng như các bờ ngăn mỏng và dựng đứng bằng chất calcit tạo nên hệ thống "ruộng bậc thang" kỳ thú; rồi các thành tạo phytokarst và biokarst có cấu trúc mỏng manh, là sản phẩm phá hủy trầm tích carbonat có sự tham gia của tảo, nấm... Những thứ này ở Việt Nam chỉ riêng trong hang Sơn Đoòng mới có và chúng rất dễ bị phá hủy khi du khách vào hang.
Cuối cùng, tính mạo hiểm hấp dẫn của hang Sơn Đoòng cũng là điều cần cân nhắc, nếu không Quảng Bình khó lấy lại vị trí thứ 8 trong 52 điểm du lịch hấp dẫn nhất hành tinh năm 2014 như kết quả xếp hạng của tạp chí New York Times.
- Một số người cho biết rất muốn lên hang Sơn Đoòng, nhưng giá thành lại quá đắt, vì vậy họ mong có cáp treo để việc đi lại dễ dàng hơn. Ông nghĩ sao?
- Nếu chúng ta tiếp tục đối xử như thế với những di sản thiên nhiên qúy giá thì rồi đến lúc thiên nhiên sẽ bị hủy hoại, mất đi những giá trị đặc hữu là món quà tặng vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Mỗi chúng ta cần thức tỉnh và biết cách bảo tồn những di sản thiên nhiên cho hậu thế.
- Theo ông, cần làm gì để bảo vệ hang Sơn Đoòng?
- Tôi mong giữ hình thức khai thác tour du lịch mạo hiểm khám phá hang Sơn Đoòng như hiện nay, với sự kết hợp giữa công ty lữ hành và Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh. Đây là cách mang đẳng cấp cao của thế giới và duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Phương thức khai thác này hiện có hiệu quả kinh tế và ít gây tác hại nhất đến toàn hệ thống hang Sơn Đoòng.
Một khi bị tổn hại thì không chỉ Sơn Đoòng mà toàn ngành Du lịch Việt Nam sẽ mất đi vị thế trên bản đồ du lịch thế giới. Chúng ta cần bảo tồn nó như một di sản thiên nhiên đặc biệt, không chỉ của Quảng Bình, Việt Nam mà còn của thế giới.
Hương Thu