Thảo luận ở hội trường về kế hoạch tài chính 5 năm, nợ công và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng báo cáo của Chính phủ, thẩm tra của Uỷ ban Tài chính Ngân sách đã chỉ ra những nét khái quát cơ bản về tình hình, như: nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ cao; bố trí vốn đầu tư công còn dàn trải, chưa khắc phục được tình trạng dự án chuẩn bị sơ sài, hình thức để được ghi vốn rồi điều chỉnh nhiều lần…
Tuy nhiên, theo ông Phương, các báo cáo chưa nêu được hiệu quả đầu tư thực tế của các dự án, bao nhiêu dự án thua lỗ, bao nhiêu dự án cần xem xét đề nghị điều tra, truy tố; nguyên nhân và giải pháp. "Có như thế mới xác định được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý, làm bài học cho tổ chức, quản lý, hy vọng ngăn chặn được tình trạng thất thoát vốn đầu tư lâu nay", ông Phương nhấn mạnh.
Điểm lại một số dự án "khủng" như Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên (giai đoạn 2), nhà máy bột giấy Phương Nam, nhà máy Đạm Ninh Bình, nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất..., đã làm "tiêu tan" trên 30.000 tỷ đồng vốn đầu tư, ông Phương bày tỏ quan điểm: “Cách báo cáo, thẩm tra hiện mới "bắn chỉ thiên", nêu ra cái chung chứ không truy được trách nhiệm, không tạo ra đột phá làm chuyển biến nhận thức về vốn đầu tư, nhất là chống tham nhũng, lãng phí”.
Đồng tình với Chính phủ về việc thắt chặt chi tiêu, xử lý bội chi, nhưng vị đại biểu tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ trưởng Tài chính giải trình, làm rõ nguyên nhân, áp lực nợ công và khả năng trả nợ của Chính phủ. “Người xưa có câu “thứ nhất nhà dột, thứ hai nợ đòi’, tâm lý người dân Việt Nam rất lo nợ và trả nợ càng nhiều thì càng lo, vì vậy Bộ trưởng Tài chính phải nói rõ để người dân được biết”, ông Phương phát biểu.
Đại biểu Phùng Đức Tiến bày tỏ lo lắng khi nợ công đã lên đến 64,98%, gần "chạm trần" 65%; nợ Chính phủ 53,1% GDP, trong khi ngưỡng chi phép là 50%. Trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra (6,7%) thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn.
"Chi trả nợ giai đoạn 2011-2015 tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2006-2010, dự báo chi trả nợ sẽ tăng cao hơn giai đoạn tới", ông Tiến nói và cảnh báo nếu tiếp tục đầu tư như cách làm như thời gian, không ngăn chặn dàn trải, thất thoát, lãng phí, tham nhũng thì hệ quả sẽ ngày càng lớn.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) bày tỏ đồng tình việc Chính phủ xác định ưu tiên đầu tiên các công trình dự án trọng điểm, cấp bách; hạn chế cơ chế xin cho.
Theo bà Kim Bé, đồng bằng sông Cửu Long đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, vụ mùa bị hạn mặn vừa qua có nơi 80% thanh niên bỏ quê đi vì đất không còn sản xuất được. Do vậy, Chính phủ cần tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng thuỷ lợi để "cứu đồng bằng sông Cửu Long", để vùng đất này hoàn thành sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Đại biểu Phạm Phú Quốc (TP HCM) dẫn lại loạt chỉ tiêu kế hoạch tài chính – ngân sách 5 năm tới: tổng thu ngân sách hơn 6,6 triệu tỷ đồng, chi 8,02 triệu tỷ đồng. GDP dự kiến bình quân 6,5-7%; nợ công 65% GDP, bội chi 3,9% GDP thể hiện sự quyết liệt trong điều hành.
Dự kiến chi đầu tư cho phát triển khoảng 25-26%, chi thường xuyên, trả nợ và tài trợ 72% có sự chuyển dịch cơ cấu chi tích cực trong 5 năm tới.
Theo ông Quốc, bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nguồn thu thuần của Việt Nam dựa phần nhiều vào tài nguyên nước, dầu thô… và nhu cầu chi cao thì Chính phủ không còn cách nào khác là phải nuôi dưỡng, tìm nguồn thu mới và giảm chi.
“Chính phủ phải tìm cách để khơi thông nguồn lực xã hội; để doanh nghiệp, người dân mạnh dạn tham gia đầu tư vốn, thay vì gửi tiết kiệm, giữ tiền trong két sắt”, đại biểu Phạm Phú Quốc nhấn mạnh.
Vị đại biểu TP HCM cũng cho rằng, bên cạnh chương trình khởi nghiệp đang được Chính phủ đẩy mạnh, cũng cần khuyến khích thành lập những tập đoàn mang thương hiệu quốc gia với doanh thu, lợi nhuận lớn hơn GDP quốc gia. Theo ông Quốc, chính số doanh nghiệp lớn này sẽ dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp trong nước phát triển, tạo ra nguồn thu cho ngân sách.
Cải thiện nguồn thu cũng cần tính tới các sắc thuế mới, như đánh thuế nhà. Ông Quốc dẫn dụ, khi ngân sách bỏ tiền đầu tư vào hạ tầng, giá nhà tại các khu vực này tăng lên thì chủ đầu tư cũng phải có trách nhiệm chia sẻ lợi nhuận, nộp một phần số lời thu được vào ngân sách để lấy tiền tái đầu tư cho các dự án hạ tầng khác….
“Ngân sách phải là nguồn vốn mồi, tạo động lực, đòn bẩy để phát triển”, ông Quốc nói.
Ngoài ra, ông lưu ý, thu hút vốn ODA cần tỉnh táo tránh rơi vào bẫy nợ nần, hay thu hút FDI cũng cần chọn lọc, tránh trả giá môi trường sau này. Chính quyền địa phương cũng cần siết chặt kỷ cương, tài chính ngân sách, xoá xin - cho….
Hoài Thu - Võ Thành
* Tiếp tục cập nhật