-
11h30
Quốc hội kết thúc phiên làm việc buổi sáng.
-
11h00
'Hoàn thiện hành lang pháp lý để bác sĩ không vướng vòng lao lý'
Đại biểu Nguyễn Công Long (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp) nêu thực trạng hai năm qua, đất nước đã trải qua thử thách chưa từng có, hàng vạn bác sĩ, nhân viên y tế không quản hi sinh, gian khổ, xông pha vào tuyến đầu chống dịch để điều trị, chăm sóc cho đồng bào bị nhiễm Covid-19. Nhưng thời gian qua, cũng không ít cán bộ quản lý ngành y tế các cấp vi phạm pháp luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự. "Không có gì đau xót hơn khi pháp luật phải xử lý những người được gọi là tinh hoa của đất nước", ông nói.
Cho biết "không có ý bào chữa cho ai bởi dù họ là thầy thuốc, mọi vi phạm đều phải được xử lý nghiêm minh", nhưng ông Long cho rằng, trong xã hội mà nhiều người được coi là chuẩn mực, được xã hội nể trọng với những danh xưng cao quý như người thầy lại vi phạm pháp luật thì đó là hiện tượng rất đáng lo ngại về cả góc độ pháp luật, đạo đức xã hội hay quản trị đất nước.
Theo ông, qua các vụ án mà người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự là cán bộ y tế, cùng với việc xem xét yếu tố chủ quan của từng cá nhân vi phạm, cần làm rõ có nguyên nhân, điều kiện nào khác hay không.
"Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém trong phương pháp quản lý, điều hành hệ thống y tế hiện nay để đề ra các giải pháp", ông nói.
Điểm lại các vụ án vừa qua, ông Long phân tích số cán bộ y tế là quản lý các bệnh viện bị truy cứu trách nhiệm hình sự không chỉ ở các tội phạm về chức vụ mà còn là tội phạm về kinh tế, như vi phạm các quy định về đấu thầu, vi phạm các quy định về kế toán.
"Có lẽ, khi thông qua Bộ luật hình sự 2015, các nhà làm luật cũng không thể hình dung được tội phạm về kinh tế có thể chuyển hoá như vậy. Chủ thể tội phạm về kinh tế không chỉ là những người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mà còn là các cán bộ quản lý trong lĩnh vực y tế, giáo dục", ông nói và băn khoăn, những vi phạm của các bác sỹ trong quản lý, điều hành các bệnh viện công lập có những nguyên nhân từ bất cập của hệ thống pháp luật và việc quản lý, điều hành nền kinh tế hay không?
Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai khẳng định, nghề y là nghề đặc biệt, bác sỹ là những người được đào tạo chuyên sâu. Một bác sỹ được cất nhắc làm quản lý bệnh viện phải hội tụ nhiều yếu tố, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, uy tín cá nhân và đặc biệt là năng lực chuyên môn.
Với chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành một bệnh viện công, ngoài vấn đề chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn, Giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động khác về hành chính, cơ sở vật chất... Tức là, Giám đốc Bệnh viện công lập thì không chỉ bảo đảm sinh mạng cho từng bệnh nhân, không chỉ trực tiếp cầm dao mổ ở những ca phẫu thuật phức tạp nhất mà còn phải chịu trách nhiệm cả những việc từ gửi xe, xử lý rác, mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế, chịu trách nhiệm trong việc đấu thầu các thiết bị y tế...
"Với những yêu cầu đặt ra đó, chỉ những bác sỹ có kỹ năng đặc biệt, với trình độ đặc biệt mới đảm đương toàn mỹ những nhiệm vụ đặt ra cho họ", ông nhấn mạnh.
Qua tham khảo ý kiến các chuyên gia cũng như mô hình y tế một số nước, ông thấy trong cơ sở y tế, các bác sỹ dù giữ cương vị quản lý cũng chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi chuyên môn của mình. Họ có quyền đưa ra yêu cầu về thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết trong việc bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chữa bệnh, phòng bệnh. Còn nhiệm vụ cung ứng, đấu thầu, mua sắm do hội đồng chuyên trách khác đảm nhiệm.
Vì vậy, ông băng khoăn, phải chăng cơ chế quản lý chưa phù hợp, thiếu sự phân định trách nhiệm, tổ chức thực hiện giữa các nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau, đòi hỏi chuyên môn khác nhau là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm của cán bộ quản lý bệnh viện công trong thời gian qua?
Sau khi phân tích, ông Long cho rằng, cùng với việc xử lý nghiêm các sai phạm, cơ quan chức năng cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý, điều hành hệ thống y tế, nhất là điều hành hệ thống bệnh viện công. Điều này không chỉ nâng cao năng lực ngành y tế, bảo đảm điều trị chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ngày càng tốt hơn, mà còn ngăn ngừa hiệu quả những hành vi vi phạm tiêu cực trong nền kinh tế và cũng để "chúng ta không phải thấy cảnh một bác sỹ phải vướng vào vòng lao lý bởi những công việc đáng lẽ bác sỹ không phải làm hoặc không được làm".
-
10h55
Cần quy định chi tiết nghị quyết 128
Nghị quyết 128 được Chính phủ ban hành đầu tháng 10 đã quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị trong thời gian tới cần quy định cụ thể các nội dung đã nêu trong nghị quyết, cho từng cá nhân, từng loại hình kinh doanh.
Theo ông Cảnh, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có điều kiện tài chính, cơ sở hạ tầng đảm bảo hoạt động an toàn nên được tạo điều kiện mở cửa trong vùng xanh, vùng vàng, vùng cam, thậm chí cả vùng đỏ. Ví dụ như dịch vụ ăn uống, vùng xanh có thể mở 100%, vùng vàng mở 50%, vùng cam mở 30%, với các điều kiện nghiêm ngặt hơn về an toàn, như phục vụ riêng, giới hạn quy mô lượng khách.
"Việc tăng, giảm công suất phục vụ dễ hơn là ngừng hoạt động tất cả rồi mở lại. Chuỗi cung ứng có tính dây chuyền, liên quan đến nhiều doanh nghiệp, nếu cung ứng đứt gãy sẽ rất khó nối lại, tốn kém nhiều chi phí", ông Cảnh nhận xét và cho rằng, bình thường mới là việc người dân, doanh nghiệp có thể sinh hoạt bình thường ở từng cấp độ dịch, Nhà nước chỉ can thiệp đột xuất khi diễn biến phức tạp.
-
10h15
Chính sách hỗ trợ cần thực chất hơn
Góp ý về chính sách phục hồi kinh tế, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị các gói hỗ trợ cần thực chất hơn và rút gọn điều kiện, thủ tục.
Theo ông, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ hiện nay còn nhiều khó khăn, tỷ lệ được hưởng còn thấp. Với những doanh nghiệp nằm trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, như du lịch, khách sạn, thì giải pháp đưa ra như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không đem lại nhiều ý nghĩa.
Đồng thời, ông cũng đề nghị cần nghiên cứu có gói hỗ trợ tiếp theo để giúp doanh nghiệp tận dụng thời gian còn lại của năm. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn để phục hồi. Hầu hết các quốc gia hiện nay đều phải can thiệp mạnh để hỗ trợ nền kinh tế.
-
10h10
Mở cửa kinh tế phải đi đôi với độ bao phủ vaccine
Ông Huỳnh Thanh Phương (Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Tây Ninh) nêu vấn đề, sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân không cho phép giãn cách xã hội dài ngày trên phạm vi rộng. Do đó, việc mở cửa lại nền kinh tế là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, tốc độ, phạm vi và tính bền vững của việc mở cửa trở lại phải đi cùng với tăng nhanh hơn nữa việc đáp ứng các công cụ phòng chống dịch, ý thức chấp hành nghiêm túc 5k, độ bao phủ của vaccine, độ dồi dào của công cụ và thuốc chữa bệnh Covid-19, khả năng tự xét nghiệm, tự chữa bệnh của người dân theo hướng dẫn của ngành y tế, năng lực của ngành y tế...
Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ tiếp tục nỗ lực để nâng cao ý thức người dân và khả năng phòng chống dịch, đồng thời thực hiện chính sách ngoại giao vaccine, thúc đẩy nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước, đảm bảo chủ động phòng chống dịch.
-
9h45
'Năm nay khó đạt mục tiêu tăng trưởng 3-3,5%'
Đại biểu Lê Thanh Vân (Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội) góp ý, kỳ vọng kinh tế tăng trưởng 3-3,5% trong năm nay khó có thể đạt được. Để đạt mục tiêu này, theo phân tích của ông, GDP phải tăng 8,6% trong ba tháng cuối năm.
"Đây là con số thách thức. Năm ngoái, khi cường độ diễn biến Covid-19 không mạnh như hiện nay, chúng ta cũng chỉ đạt tăng trưởng 2,91%. Với bối cảnh năm nay, tôi e là khó có thể đạt tăng trưởng 3-3,5%", ông Vân nói.
Các mục tiêu trong kế hoạch 5 năm, theo ông Vân, đã bám sát tình hình thực tế nhưng riêng chỉ tiêu tăng trưởng GDP, kỳ vọng tăng bình quân 6,5% vẫn nên được đánh giá cẩn trọng. Nền kinh tế từ nay đến giữa năm sau ở giai đoạn phục hồi, sau đó mới tính tới câu chuyện tăng trưởng.
Ngoài kinh tế, đại biểu này cũng góp ý về năng lực của cán bộ quản lý khi những diễn biến đại dịch vừa qua bộc lộ sự yếu kém của một bộ phận cán bộ, từ nhận thức đến hành vi, không chuẩn về pháp luật, dẫn tới ứng xử không đúng. "Tôi đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương phải xử lý nghiêm những trường hợp này. Xử lý để cho người dân biết chúng ta làm nghiêm", ông Vân nói.
-
9h30
Cần xem lại việc đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM, dành toàn bộ thời gian nói về những bài học trong việc chống dịch.
Để công tác chống dịch thời gian tới hiệu quả hơn, theo bà, cần có những phản ánh cho thấy rõ "sự hy sinh, mất mát quá nhiều, đặc biệt là hơn 20.000 ca tử vong thời gian qua" để rút kinh nghiệm.
"Vừa qua, đặc biệt tại TP HCM có kinh nghiệm thực tế, những gì chúng ta chưa làm được mới dẫn đến hậu quả như vậy. Đây là những bài học xương máu", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ.
Thứ nhất, bà Lan đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế có những chính sách cụ thể để nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng cấp cơ sở. Theo bà, cần xem lại thực trạng y tế cơ sở, bởi "đây không phải lần đầu tiên nói" vấn đề này. Nhiều địa phương chưa thực hiện đúng chủ trương là dành 30% ngân sách cho y tế dự phòng. Số địa phương thực hiện được điều này, theo bà Lan, "đếm trên đầu ngón tay". Chưa kể, số ngân sách này cũng chưa đáng kể nếu so với nhu cầu của người dân.
Theo bà, việc nâng cao y tế dự phòng cơ sở không chỉ là vấn đề tiền mà còn là nhân lực. Bởi cần làm sao để thu hút được nhân lực chất lượng cao về đây. "Nếu không giải quyết được các vấn đề căn cơ, chúng ta sẽ tiếp tục bị động", bà nói.
Trước đây, từ trung tâm y tế quận huyện đã chia ra làm bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng, phòng y tế nhưng theo bà Lan không nên bởi "đã yếu còn chia ra". "Có bệnh viện chưa đến mức là bệnh viện, có trung tâm y tế dự phòng què quặt, phòng y tế chỉ làm được việc hành chính", bà Lan nói.
Thứ hai, về hệ thống điều trị, "đây là phép thử để chúng ta nhìn lại năng lực điều trị nhưng chỉ một cơn dịch qua thôi là tan tác hết". Ngành y tế thời gian qua tập trung chống dịch trong khi còn các bệnh khác. Các bệnh viện chưa được chuẩn bị về cơ sở pháp lý, kiến thức cần thiết, vật tư y tế thuốc, cơ chế tài chính.
Việc phân chia ngân sách nhà nước và bảo hiểm trong điều trị Covid chưa rõ ràng nên các bệnh viện chưa rõ trong thanh toán. "Việc xét nghiệm nếu phân công rạch ròi để cho bảo hiểm làm việc đó cùng với cơ chế đấu thầu lựa chọn giá tốt nhất thì không có tình trạng loạn giá xét nghiệm như vừa qua", đại biểu này nói.
Hệ thống y tế tư nhân, theo đánh giá của bà Lan, chưa được huy động kịp thời, chưa có cơ chế thỏa đáng để cùng tham gia chống dịch.
Tương tự với việc tiêm vaccine, hiện Việt Nam chưa cho phép tiêm dịch vụ, nhưng bà Lan cho rằng "vaccine dịch vụ cũng là một hình thức để xã hội đóng góp vào công tác này".
"Chúng ta đã thực sự ưu tiên cho y tế hay chưa? Thực sự ngành nào cũng có tiêu cực, tích cực, cũng có nhiều con người cùng hoạt động. Trong ngành y, để phục vụ người bệnh thì phải làm sao tạo điều kiện cho nhân viên y tế, cán bộ quản lý có môi trường phát triển y đức. Chứ không phải lúc xảy ra chuyện rồi thì sử dụng biện pháp hành chính và các biện pháp hình sự. Bản thân tôi rất đau lòng. Chính người dân sẽ phải trả giá về việc này", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.
-
9h15
Cần chính sách đặc thù phát triển Tây Nguyên
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh) cho rằng vùng đồng bào dân tộc miền núi là vùng phên giậu của Tổ quốc nên rất cần có chính sách đặc thù. Hiện đã có một số chính sách như chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh bền vững giai đoạn 2021-2025... Nhưng bà đề xuất Quốc hội, Chính phủ tập trung cao hơn nguồn vốn từ năm 2022 để tạo đột phá phát triển dân tộc miền núi, rút ngắn khoảng cách giảm nghèo giữa các vùng miền, giữa thành thị và miền núi.
"Làm được như vậy là thực hiện tinh thần cương lĩnh phát triển của Đảng và Hiến pháp Nhà nước về tạo ra sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc", bà nói.
Từ thực tế ở Tây Nguyên, bà Xuân đề nghị Bộ Chính trị, Chính phủ tạo điều kiện cho các tỉnh ở đây có cơ chế chính sách đặc thù, tạo ra cú hích, đột phá trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Bà đề xuất các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công Thương nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp và người dân Tây Nguyên chế biến sâu các sản phẩm cây công nghiệp như cà phê, bơ, sầu riêng... để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, khắc phục tình trạng được mùa mất giá.
Bà cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nhập khẩu, chuyển giao công nghệ để bảo đảm an ninh nguồn nước cho Tây Nguyên.
-
9h10
Cần giải pháp phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái
Góp ý về vấn đề thể chế, đại biểu Lã Thanh Tân (Giám đốc Sở Tư pháp Hải Phòng) cho rằng, cần có giải pháp, cách làm, quyết liệt hơn, đột phá hơn "để giúp chúng ta tránh được tình trạng làm nhiều, làm liên tục nhưng hiệu quả cải cách chưa tương xứng".
Một ví dụ cho việc cải cách thể chế, theo ông Tân, là việc hoàn thiện thể chế, phân cấp, phân quyền mô hình khu công nghiệp sinh thái còn chậm. Ông phân tích, xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế là giải pháp lớn, giúp thu hút tối đa nguồn lực phát triển. Thời gian qua, một số quy định được xây dựng nhưng kết quả đánh giá toàn diện 30 năm vẫn chỉ ra rằng, việc hoàn thiện thể chế, phân cấp, phân quyền chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản, chất lượng thu hút đầu tư chưa đảm bảo yêu cầu phát triển.
Trên thực tế, cộng đồng doanh nghiệp, ủy ban các tỉnh, ban quản lý các khu công nghiệp đang muốn sửa đổi toàn diện Nghị định 82/2018, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn cho lĩnh vực này. Một trong những nội dung được quan tâm là chính sách khuyến khích phát triển khu công nghiệp sinh thái. Mô hình này phát triển khu công nghiệp đi cùng với phát triển môi trường, góp phần hạn chế ảnh hưởng của sản xuất, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Theo đó, chính sách ưu đãi cần thiết thực hơn, có sự đột phá khuyến khích nhà đầu tư phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái. Ngoài ưu đãi theo quy định hiện tại, đại biểu đề nghị Chính phủ cần bổ sung thêm các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế xuất nhập khẩu.
-
9h10
'Quyết sách cần tạo đồng thuận với người dân'
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp khẳng định, đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Bà đề cập nhiều điều chưa từng có tiền lệ trong thời gian chống dịch vừa qua, như: Tổng bí thư hai lần kêu gọi đoàn kết chống dịch; biến chủng Delta lây lan nhanh xuất hiện; tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử; quân đội điều quân lớn nhất lịch sử...
"Các biện pháp chống dịch dù chưa có tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhưng hợp lý, có sự đồng lòng, cố gắng vượt bậc", bà Hoa nói.
Mặt khác, bà Hoa cũng thẳng thắn nêu nhiều hạn chế trong việc thực thi công vụ trong chống dịch ở cấp cơ sở.
Chính phủ đã chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc về lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, kiên quyết không ban hành giấy phép con, không chia cắt, nhưng tại một số thời điểm, có nơi quá lo lắng nên đã đặt ra yêu cầu cao hơn, đặt ra giấy tờ không phù hợp đi qua chốt kiểm soát, gây khó khăn bức xúc cho người dân. Có địa phương chưa tạo điều kiện người dân từ thành phố lớn về quê chống dịch.
Trong khi lãnh đạo Chính phủ sát sao nhưng một bộ phận cán bộ cơ sở còn lơ là, chủ quan chống dịch. "Đây có thể là căn bệnh trầm kha ở một số nơi", bà Hoa nhận định và dẫn chứng, có cán bộ trong thời gian giãn cách đi chơi golf, nhưng khi bị phát hiện lại khai báo không trung thực.
Có trường hợp xô xát giữa cán bộ và nhân viên lấy mẫu xét nghiệm, hoặc có cán bộ xa rời thực tế như việc coi bánh mỳ không phải là mặt hàng thiết yếu.
Có nơi quá cứng nhắc, lạm quyền với người dân nên có cách hành xử không phù hợp như vào nhà dân bắt ép một phụ nữ đi xét nghiệm.
"Những trường hợp nêu trên không phổ biến nhưng tạo ra hình ảnh phản cảm, góp phần làm làm mất uy tín của chính quyền cấp cơ sở", bà Hoa nói.
Vì vậy, bà cho rằng, bài học rút ra là bất cứ việc gì cũng cần tạo đồng thuận của người dân. Nếu người dân chưa hiểu thì tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Các quyết sách đưa ra phải cân nhắc trên cơ sở sức khỏe, quyền, lợi ích của người dân.
"Nếu người dân vi phạm quy định chống dịch thì đã có các quy định về xử phạt hành chính, xử lý hình sự. Chính quyền cơ sở cần tránh hành động cảm tính, bất chấp quy định", bà nói.