Các đại biểu sẽ cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong hai ngày 8 và 9/11. Quá trình thảo luận, thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.
Tại phiên khai mạc kỳ họp lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, tuy nhiên quý 3 giảm 6,17% do ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt dịch thứ tư; tính chung 9 tháng GDP tăng 1,42%.
Thời gian còn lại của năm 2021, Chính phủ xác định tập trung cao nhất cho chống dịch, đồng thời khẩn trương xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp với thực tế. "Mọi nguồn lực sẽ được khơi thông cho chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; sớm đưa học sinh trở lại trường an toàn", Thủ tướng nói.
Từ ngày 10 đến sáng 12/11, Quốc hội sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ. Bốn Bộ trưởng đăng đàn gồm Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ báo cáo làm rõ thêm các vấn đề đại biểu quan tâm và trả lời chất vấn.
Hoạt động chất vấn được tổ chức theo cách thức lấy nhóm vấn đề làm trọng tâm, vấn đề thuộc trách nhiệm của cá nhân nào thì người đó có trách nhiệm trả lời, với phương thức "hỏi nhanh, đáp gọn". Mỗi lượt 3-5 đại biểu đặt câu hỏi, mỗi đại biểu không quá một phút; người trả lời sẽ giải trình không quá 3 phút cho một chất vấn.
Nếu đại biểu không đồng ý với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng đăng ký tranh luận, thời gian tranh luận không quá 2 phút. Thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi chất vấn; không đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi và không tranh luận giữa các đại biểu với nhau.
1,5 ngày còn lại của chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự án luật và một số dự thảo Nghị quyết. Đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
Các Nghị quyết gồm: Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế; Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025); Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022...
Quốc hội họp phiên bế mạc sáng 13/11, thông qua nghị quyết về hoạt động chất vấn và nghị quyết kỳ họp.
Trước đó, đợt họp đầu tiên theo hình thức trực tuyến kết thúc vào ngày 30/10, sau 11 ngày làm việc. Trong đợt hai này, ngoài đoàn TP HCM và Kiên Giang, tất cả đoàn đại biểu các tỉnh, thành đều họp tập trung tại nhà Quốc hội.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM được phép họp trực tuyến đợt 2 do có 2 thành viên là F0. Các đại biểu đoàn Kiên Giang đang cách ly y tế theo quy định của tỉnh vì tiếp xúc với một F0. Những đại biểu của hai đoàn nói trên công tác ở Trung ương vẫn dự trực tiếp tại Nhà Quốc hội.