Bốn tháng trước, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong đã làm nóng nghị trường, khi thẳng thắn nêu sáu vấn đề cần quan tâm, trong đó có những việc mà ông gọi là "nỗi bất an của người Việt Nam".
Bước vào phiên thảo luận kinh tế - xã hội lần này, VnExpress gặp lại ông Đặng Thuần Phong để trao đổi xung quanh nội dung trên.
Nỗ lực chống tham nhũng có chuyển biến sắc nét
- Nêu các vấn đề bức xúc của người dân trên diễn đàn Quốc hội, sau một thời gian ông thấy có chuyển biến gì?
- Mong muốn ngăn chặn, đẩy lùi những nỗi bất an của người Việt về môi trường, về việc đồng tiền làm suy thoái các mối quan hệ xã hội, về chống tham nhũng, về nợ công..., chắc chắn không phải của riêng đại biểu Quốc hội nào.
Ở vị trí người đại biểu dân cử, chúng tôi có trách nhiệm lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia. Nhưng đi vào giải quyết các vấn đề cụ thể, vai trò chính là của cơ quan hành pháp và tư pháp. Chúng tôi sẽ dõi theo từng vấn đề và liên tục có ý kiến.
Thời gian qua chuyển biến chưa nhiều, sáu bất an vẫn hiện hữu. Tuy nhiên, nỗ lực chống tham nhũng, kỷ luật cán bộ, đảng viên sai phạm đã chuyển biến sắc nét, như Tổng bí thư nói là "lò nóng lên" với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng liên quan. Lĩnh vực khác cũng có bước chuyển nhưng chưa rõ, có lẽ cần thêm thời gian để Chính phủ tính toán giải pháp, chọn mục tiêu thực hiện.
- Vai trò của Chính phủ trong thực hiện các giải pháp an dân được thể hiện như thế nào?
- Tinh thần "kiến tạo, hành động, liêm chính" cần được mở rộng chứ không riêng với Chính phủ. Tôi đặt vấn đề cho cả hệ thống chính trị. Cũng như hôm qua (30/10), Quốc hội bàn về cải cách bộ máy hành chính Nhà nước, nhiều đại biểu chỉ nói về tổ chức và biên chế của bộ máy hành pháp từ trung ương xuống địa phương với trên 2 triệu người, nhưng còn 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì sao?
Cả hệ thống chính trị với tổ chức Đảng, các đoàn thể, lực lượng vũ trang... đều phải được đặt trong tổng thể thì mới giải được bài toán đúng.
Với đặc điểm tổ chức bộ máy của chúng ta hiện nay, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống thì mới đủ sức mạnh để giải quyết các vấn đề lớn, trong đó Chính phủ với vai trò điều hành, chỉ đạo kinh tế - xã hội hàng ngày. Chính phủ chọn vấn đề nào, ưu tiên việc gì trước, việc gì sau là thẩm quyền Chính phủ.
Ví dụ vấn đề môi trường, Chính phủ có thể chỉ đạo giải quyết ngay các điểm nóng để yên dân. Nhưng về lâu dài thì phải đồng bộ, từ hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật cho đến hoạt động của các cơ quan chức năng cụ thể.
Ông Đặng Thuần Phong nêu 6 bất an của người Việt, tháng 6/2017
Tăng trưởng thì có, nhưng sinh kế chưa ổn định
- Đâu là vấn đề ông quan tâm nhất trong phiên thảo luận kinh tế xã hội cuối năm này?
- Dù Chính phủ có nhiều nỗ lực, đạt và vượt cả 13 chỉ tiêu Quốc hội giao trong đó có tốc độ tăng trưởng 6,7%, nhưng nhìn vào các yếu tố cần thiết để một đất nước phát triển bền vững thì tôi lại thấy lo, vì tăng trưởng thì có nhưng sinh kế của người dân gắn với tăng trưởng chưa ổn định.
Chất lượng tăng trưởng kinh tế có cải thiện một bước nhưng vẫn ở mức thấp so với yêu cầu. Hiệu quả đầu tư chưa cao, thể hiện qua tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP chiếm 33,42%, cao hơn so với năm 2016.
Hệ số ICOR giảm nhẹ nhưng vẫn còn ở mức cao (6,27). Năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế tăng 5,87%, tuy cao hơn so với năm 2016 nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước trong khu vực.
Ngoài ra, chi thường xuyên chiếm tới 70% chi ngân sách nhà nước, nghĩa là phần lớn ngân sách dùng để trả lương và các khoản khác cho bộ máy; nguồn lực để đầu tư phát triển, xây cất hạ tầng rất khiêm tốn. Nợ công quá lớn, hiện khoảng 62,6% GDP, trong nhiều năm qua Chính phủ đã phải vay để đảo nợ.
Có thể nói nợ công, nợ xấu, nợ đọng xây dựng cơ bản... đã làm hạn chế và thu hẹp không gian chính sách, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ không còn dư địa để áp dụng. Các chính sách, giải pháp mới về thúc đẩy tăng trưởng cũng gặp nhiều khó khăn do khả năng đáp ứng về nguồn lực hạn chế.
Giải pháp Chính phủ đưa ra thì nhiều, vẫn dàn đều như những năm trước, trong khi theo tôi phải nhìn xem nguồn lực đầu tư vào chỗ nào tốt nhất. Rõ ràng doanh nghiệp nhà nước hiệu quả không cao, nên nguồn vốn tập trung vào đây là không đúng rồi.
- Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, chỉ cần tiết kiệm 1% chi thường xuyên trên cả nước, ngân sách tiết kiệm được 10.000 tỷ đồng. Ông đánh giá thế nào về giải pháp này?
- Tôi hoàn toàn đồng tình, đây là giải pháp khả thi nếu cấp trên có quyết tâm chính trị. Các nước cũng vậy thôi, khi ngân sách khó khăn thì một trong những việc đầu tiên cần tính tới là cắt giảm bộ máy.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu chúng ta nói về cắt giảm chi tiêu thường xuyên. Nói mãi cuối cùng bộ máy ngày càng phình ra, chi tiêu ngày càng lớn hơn. Đề án cải cách tiền lương chỉ đề ra tăng lương cơ sở 7% mỗi năm mà rất khó khăn, ngân sách không lo nổi. Lần này muốn giảm chi thường xuyên thì phải giảm biên chế, giảm hội họp, lễ hội…, và đặt ra lộ trình từng năm, giảm lĩnh vực nào, ở đâu một cách cụ thể.
Các nỗi bất an của người Việt trong phát biểu của ông Đặng Thuần Phong - Tiền người dân chắt chiu gom góp trong mồ hôi, nước mắt nhưng tham nhũng nhiều, lãng phí lớn là dấu hiệu hết sức báo động - Theo chỉ số nợ công thì hiện mỗi người dân Việt Nam có thể gánh 1.000 USD và xu hướng còn tăng trong những năm tới. - Tình trạng thương mại hoá các quan hệ xã hội. Đồng tiền đã làm suy thoái, có lúc dẫn dắt cả chính sách. "Trong bụng mẹ là chạy chỗ sinh đẻ, đi học phổ thông các cấp và đại học thì chạy trường, chạy lớp, chạy điểm; tuyển dụng thì chạy chỗ, chạy chức, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển; vi phạm pháp luật thì chạy truy tố, chạy án, thậm chí chạy khỏi tổ quốc, đến nơi Việt Nam chưa ký kết hiệp định dẫn độ để an thân", ông Phong phát biểu. - Nhiều nơi rừng đã hết, có chỗ biển gặp sự cố môi trường nặng nề, tài nguyên khoáng sản quốc gia cho các đời sau dần cạn kiệt. - Chính sách trải thảm và sử dụng lao động giá rẻ, kêu gọi đầu tư nhưng thiếu trách nhiệm trong thẩm định, đánh giá dự án khiến từng bước biến Việt Nam thành điểm đến của công nghệ lạc hậu. - Ăn cơm thì sợ vệ sinh thực phẩm, bước ra đường thì sợ tai nạn giao thông, gặp chuyện bất bình thì không dám can thiệp. |
Võ Hải - Hoàng Thuỳ