Theo báo cáo của Hà Nội, thành phố có 970 biệt thự, trong đó 752 nhà thuộc nhóm đạt tiêu chí bảo tồn cần được đưa vào danh mục quản lý, 22 nhà không phải biệt thự, 15 nhà xuống cấp, 8 nhà bị phá dỡ trái quy định... UBND thành phố cũng đưa 207 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước vào diện không được bán.
Thảo luận về việc quản lý nhà biệt thự, Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam, cho rằng, hồ sơ do UBND thành phố xây dựng là không đầy đủ, việc khảo sát dựa trên hồ sơ là không đúng nên ông không đồng tình với các đề xuất, đồng thời đề nghị quy trách nhiệm các cơ quan đã buông lỏng quản lý.
Ông Nam lấy ví dụ, một số biệt thự đã bị phá dỡ và xây dựng thành các tòa nhà song vẫn được đưa vào báo cáo, như một biệt thự ở phố Hai Bà Trưng giờ là tòa nhà 9 tầng, hay biệt thự ở phố Lý Thường Kiệt đã được bán và xây dựng thành khách sạn 7 tầng.
"Cơ quan quản lý nhà quản lý không tốt, một biệt thự không như mớ rau mà khi phá chúng ta không biết, ở đây có sự dối trá của cơ quan quản lý", ông Nguyễn Hoài Nam nhận xét.
Theo vị Trưởng ban, 970 biệt thự ở Hà Nội đã được Chính phủ đưa vào nghị quyết, giao cho thành phố phân loại bảo tồn nên việc bán cũng phải theo tiêu chí. Ông Nam đề nghị thanh tra toàn diện việc quản lý biệt thự và giám sát theo nghị quyết.
"Nếu không làm nghiêm thì sẽ không hiệu quả, nếu phân trách nhiệm chung chung thì chúng ta sẽ không quản lý được và không còn biệt thự duy trì", ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Trưởng ban Kiểm tra Thành ủy Trần Trọng Dực cũng cho rằng, báo cáo thực trạng biệt thự chưa chính xác. Ông lấy ví dụ, 15 biệt thư mà UBND thành phố đề cập là bị biến dạng hoàn toàn thì vẫn còn biệt thự có giá trị như nhà 102 và 38 Hoàng Hoa Thám. Ông Dực có văn bản đánh giá các biệt thự số 36 phố Tây Sơn, 190 Lò Đúc, 48 Hoàng Hoa Thám... là vẫn nguyên trạng.
"Nếu báo cáo khảo sát như vậy, làm sao đại biểu HĐND thành phố có niềm tin", ông Dực nói và lo ngại nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước.
"Chúng ta có quy định xây dựng không quá 3 tầng, song có những biệt thự bị phá đi để xây 7-8 tầng, phá vỡ hết kiến trúc cảnh quan. Đề nghị thành phố đánh giá lại chu đáo, đừng làm cẩu thả", ông Dực bức xúc.
"Các hộ dân chỉ xây sai một m2 là chính quyền biết ngay, song nhầm lẫn cả ngôi biệt thự là không chấp nhận được", đại biểu Nguyễn Xuân Diên nói và yêu cầu thành phố phải báo cáo đúng sự thật, chỉ ra thực trạng của biệt thự, xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị báo cáo không đúng sự thật.
Trước các ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân, Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh thừa nhận, quản lý nhà nước chưa tốt nên có tình trạng phá biệt thự. Với đề xuất thanh kiểm tra, lãnh đạo thành phố cho biết đã có chỉ đạo rà soát và sẽ có địa chỉ cụ thể.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng xác nhận ý kiến đại biểu hoàn toàn đúng. Trước đây, thành phố đã buông lỏng quản lý nên có thiếu sót. Song, trên cơ sở pháp lý và thực tế hiện nay, việc bán biệt thự cho người dân theo nghị định 61 vẫn phải tiếp tục và phải phân loại biệt thự để làm tốt chủ chương bảo tồn.
Sau phần thảo luận khá gay gắt, nghị quyết về đề án quản lý quỹ nhà biệt thự được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua với tỷ lệ đồng thuận 53/84 đại biểu.
Đoàn Loan