Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tổ, cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Thị Yên nêu vấn đề hiện đàm phán giá mua với nhiều dự án điện tái tạo (điện gió, mặt trời) chuyển tiếp vẫn tắc, gây lãng phí lớn. "Hàng trăm dự án năng lượng tái tạo đã được Nhà nước thỏa thuận quy hoạch, cấp phép xây dựng, song giờ không thể đấu nối, phát điện trong khi kinh tế thiếu điện, phải tăng mua của Lào, Trung Quốc", đại biểu Tạ Thị Yên nói.
Cùng băn khoăn, ông Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho hay người dân bức xúc việc vì sao phải nhập khẩu điện trong khi 85 dự án điện tái tạo chuyển tiếp, tổng công suất 4.600 MW vẫn đang đàm phán giá, chưa thể phát điện lên lưới.
"Thủ tục là do ta đặt ra, tại sao không cải tiến thủ tục để hòa lưới 4.600 MW mà phải đi mua điện của Trung Quốc, Lào. Trách nhiệm ở đây là cơ quan nào?", ông Minh đặt vấn đề.
Đề cập lãng phí nguồn điện, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách nói Việt Nam là cường quốc điện gió, mặt trời, nhưng vẫn phải đi nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào. Trong khi đó, EVN lỗ triền miên thì cần "mổ xẻ" vấn đề và có giải pháp phù hợp.
Lý giải việc lãng phí điện mặt trời, điện gió, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết ông đã trao đổi với Bộ trưởng Công Thương về vướng mắc huy động nguồn điện này. Theo ông, nếu vướng về giá, hai bộ sẽ cùng xây dựng, điều chỉnh cơ chế, đảm bảo giải tỏa vốn ứ đọng mà các doanh nghiệp đã bỏ ra đầu tư và vay từ ngân hàng.
Tuy nhiên, theo ông Phớc, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói vướng ở đây là về công suất, tức hiện nay đã đủ tải. "Nếu chúng ta đủ tải rồi tại sao còn cho làm. Và nếu đã làm rồi, sao không giảm bớt điện đã mua của nước ngoài?", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu.
Việc nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc đã diễn ra nhiều năm và đây cũng được xem là một biện pháp lâu dài trong đảm bảo cung ứng điện. Theo Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Việt Nam và Lào ký tháng 6/2016, tổng công suất nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam tối thiểu đến năm 2025 là 3.000 MW và đến năm 2030 là 5.000 MW. Hiện Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ các dự án, cụm dự án của Lào, với tổng công suất 2.689 MW.
Năm nay, theo Bộ Công Thương, việc nhập khẩu điện từ hai nước này tăng do thời tiết cực đoan cùng hạn hán tại các hồ thủy điện khiến nguồn cung mùa khô thiếu hụt. Hiện 18 hồ thủy điện ở mực nước chết hoặc cận chết. Có 20 hồ thủy điện có dung tích dưới 20%. Đến ngày 21/5, sản lượng còn lại trong các hồ thủy điện chỉ có 29 tỷ kWh, thấp hơn 1,7 tỷ kWh so với kế hoạch năm.
Để đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng, ngoài huy động mọi nguồn trong nước, EVN cho biết đàm phán mua điện từ Trung Quốc qua đường dây 110 kV Thâm Câu - Móng Cái tháng 5, 6 và 7 với công suất 70 MW, và dự kiến đóng điện từ tuần sau. Tập đoàn này cũng nhập khẩu điện từ Lào qua cụm nhà máy thủy điện Nậm Kông, Nậm San.
Ngoài ra, hiện giá điện nhập khẩu thấp hơn mua trong nước. Giá mua điện từ Trung Quốc là 6,5 cent tức gần 1.540 đồng một kWh. Còn giá mua tại Lào là 6,9 cent một kWh, khoảng 1.632 đồng một kWh. Trong khi đó, theo số liệu từ EVN, giá mua điện bình quân 3 tháng đầu năm khoảng 1.845 đồng một kWh. Như vậy, giá mua điện từ Lào, Trung Quốc thấp hơn một số nguồn điện trong nước.
Về năng lượng tái tạo, hiện tổng công suất số dự án điện tái tạo bị chậm vận hành là hơn 4.600 MW. Trong đó, gần 2.100 MW của 34 dự án chuyển tiếp đã hoàn thành thi công, thử nghiệm. Các dự án này không được hưởng giá ưu đãi (giá FIT) trong 20 năm và phải đàm phán giá điện với EVN, với mức thấp hơn 20-30% so với trước đây.
Theo số liệu cập nhật từ EVN, đến 24/5 có 37 dự án điện tái tạo chuyển tiếp chưa có giá gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EVNEPTC) để đàm phán giá và hợp đồng mua bán.
24 dự án trong số này chấp nhận giá tạm tính bằng 50% mức trần trong khung giá của Bộ Công Thương, tức khoảng 754-908 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm tính cho 19 dự án, tổng công suất 1.347 MW và đang đẩy nhanh các bước thử nghiệm, công nhận vận hành thương mại (COD) để phát điện. Như vậy, sắp tới sẽ có thêm hơn 1.340 MW bổ sung vào hệ thống điện.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng nêu băn khoăn của cử tri về tăng giá điện thêm 3% từ 4/5 và khoản lỗ hơn 26.200 tỷ đồng của EVN năm 2022.
Bà Tạ Thị Yên phản ánh từ năm 2010 đến nay, EVN đã 8 lần điều chỉnh tăng giá điện. Theo đó, giá bình quân từ 1.058 đồng một kwh lên 1.864,44 đồng mỗi kwh (vào năm 2019); đến nay vẫn tiếp tục báo lỗ và đề nghị điều chỉnh tăng giá điện.
Nhiều cử tri thắc mắc trong các báo cáo EVN khẳng định về tình hình sản xuất, kinh doanh điện liên tục thua lỗ, nhưng không nêu rõ nguyên nhân lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 và giải pháp khắc phục.
"Nguyên nhân chính của khoản lỗ này do đâu? Nếu nói rằng do giá đầu vào tăng cao, gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỷ giá thì các công ty con của EVN cũng đối diện với khó khăn này. Tại sao ra kết quả khác nhau, đây có phải là vấn đề về năng lực quản lý không?", bà Yên nêu.
Cho biết trực tiếp tham dự nhiều cuộc họp, ông Đinh Ngọc Minh cho hay trong tổng 100% sản lượng phát lên lưới, nguồn điện từ EVN chỉ chiếm tỷ lệ nhất định (khoảng 11%), còn lại là nguồn điện phát từ các công ty, doanh nghiệp khác ngoài EVN.
"Tiền mua điện của các đơn vị này không tăng, mà giá bán ra của EVN tăng rồi, tại sao lại lỗ? Tại sao những doanh nghiệp này kinh doanh lãi, mà EVN lại lỗ? Cần làm rõ nguyên nhân lỗ của EVN trong năm ngoái", ông đề nghị.
Giải pháp lâu dài cho ngành điện, theo các đại biểu, Bộ Công Thương cần nghiên cứu, tìm ra phương án tối ưu để đảm bảo an ninh năng lượng. "Có thể tìm nguồn nhiên liệu rẻ, sạch hơn để giảm giá thành sản xuất. Trong đó, cần có cơ chế giá hợp lý để các nhà máy điện tư nhân, dự án năng lượng tái tạo tham gia vào kinh doanh điện", bà Tạ Thị Yên nêu.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng về lâu dài, cần sửa một số quy định, đặc biệt ách tắc nhất là Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư công.