Nêu ý kiến trong phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội ở Quốc hội sáng 29/5, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP HCM, đánh giá biến đổi khí hậu ngày nay "hết sức khắc nghiệt, thời tiết cực đoan và thiên tai bất thường". Ông đề nghị phân bổ vốn đầu tư phải lưu ý đến các địa phương bị tổn thương nặng nề do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, như đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Ngân, các nước yêu cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đảm bảo tiêu chí xanh nên Nhà nước cần hỗ trợ cho doanh nghiệp sớm phát triển thị trường tín chỉ carbon. Trong đó, lĩnh vực cần tập trung là khu vực nông nghiệp - thế mạnh của Việt Nam, giúp nông dân có lợi nhuận kép từ sản phẩm nông nghiệp và tín chỉ carbon.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng giao dịch tín chỉ carbon trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ giúp đất nước vượt qua thách thức hiển nhiên của cuộc cách mạng chuyển đổi xanh toàn cầu.
Bà đề nghị các đơn vị nghiên cứu tác động của thị trường carbon ở một số quốc gia liên quan đến xuất khẩu nông sản Việt Nam khi quy định này được áp dụng từ tháng 1/2026. "Để phát triển thị trường cũng cần xây dựng chính sách hấp dẫn, thiết thực để thúc đẩy người dân, doanh nghiệp tham gia", bà nói.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, nói "rất phấn khởi" khi Việt Nam thu được 51,5 triệu USD về tín chỉ carbon. Theo ông Huân, hiện nay giá carbon chỉ khoảng 10 USD/tấn, trong khi đó nếu có thị trường bắt buộc có thể lên 40, 50, 60 USD, thậm chí cơ chế JCM của EU có thể lên tới 110 USD.
Tín chỉ carbon (tín chỉ CO2) là chứng nhận có thể giao dịch thương mại, thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2, hoặc một tấn khí nhà kính khác tương đương. Phương thức mua bán được hiểu là một công ty tạo ra 12 tấn khí thải trong khi giới hạn cho phép là 10 tấn thì với 2 tấn quá hạn ngạch kia có thể mua tín chỉ từ công ty tạo khí thải thấp hơn. Điều này được xác nhận bởi bên thứ ba. Mục tiêu cuối cùng của tín chỉ carbon là giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển.
Thị trường mua bán tín chỉ carbon trên thế giới khá sôi động. Tại Việt Nam, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 lập và vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Ba năm sau, sàn sẽ được vận hành chính thức.
Việt Nam có tiềm năng lớn về tín chỉ carbon với hơn 14,7 triệu ha rừng, độ che phủ 42%, trong đó rừng tự nhiên hơn 10 triệu ha, rừng trồng hơn 4,5 triệu ha. Các chuyên gia lâm nghiệp lượng hóa với diện tích này, rừng hấp thụ gần 60 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Cuối năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết Việt Nam đã chuyển giao xong 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới (WB), thu về gần 1.250 tỷ đồng.