Phát biểu tại phiên làm việc chiều 21/5 về dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho hay, "khái niệm nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam rất đúng, nhưng thực tiễn hiện nay lại khác. Nói thì đúng nhưng thực hiện thì vênh quá".
![Nguyen-Ba-Thuyen-Lam-Dong-8041-143222941](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/05/22/Nguyen-Ba-Thuyen-Lam-Dong-8041-1432229411.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nVY8DPEMA4Ex3Bcpu5m1mA)
Đại biểu quốc hội Nguyễn Bá Thuyền. Ảnh: Giang Huy.
Ông Thuyền nêu vấn đề: "Ngày xưa, tất cả con em cán bộ, lãnh đạo cấp cao đều tham gia nghĩa vụ quân sự, nhưng giờ không phải như vậy. Nếu không có biện pháp giải quyết tôi cho rằng có lẽ vinh quang chỉ thuộc về con em nông dân, bà con dân tộc. Tại sao vinh quang này con em cán bộ, nhà giàu không nhận?".
Theo đại biểu Thuyền, cùng là tham gia nghĩa vụ, trong khi đi nghĩa vụ công an thì phải làm đơn chờ xét duyệt thì nghĩa vụ quân sự phải kêu gọi bắt buộc. Ông đề nghị có quy định đóng góp bằng tiền với những người không tham gia.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã góp ý về quy định gọi nhập ngũ đối tượng là công dân đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất cơ chế bổ sung nguồn nhân lực chất lượng khi cần. "Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Giáo dục tuyển chọn sinh viên mới ra trường phục vụ theo từng lĩnh vực, vừa để sinh viên thực hiện nghĩa vụ công dân vừa phát triển quân đội vững mạnh", ông Cảnh nói.
![nhap-ngu-3246-1432229411.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/05/22/nhap-ngu-3246-1432229411.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Q0SXbXoKbqEU7OzOsonv0g)
Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau tại kỳ họp trước như thời gian tại ngũ, độ tuổi nhập ngũ, đối tượng tạm hoãn ngập ngũ... đã được ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo luật lần này. Ảnh: Giang Huy.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Anh Sơn thông tin, vừa qua Ủy ban Quốc phòng, an ninh tổ chức hội thảo với các trường đại học. Sinh viên và thầy cô đều lo lắng sau khi tốt nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không đúng chuyên ngành, dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ông Sơn cho rằng, một trong những mục đích kéo dài tuổi gọi nhập ngũ đến 27 là để tạo nguồn lực chất lượng cao cho quân đội. Từ đó, ông đề nghị bổ sung quy định hạ sĩ quan, binh sĩ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật thì phải được sử dụng đúng chuyên môn của họ.
Chủ trì phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thông báo, dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự trình quốc hội lần này có nhiều điểm đã được tiếp thu, chỉnh lý sau kỳ họp thứ 8, tăng thêm 1 chương và 4 điều so với dự thảo trình kỳ trước.
Theo chương trình nghị sự, dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự sẽ được biểu quyết thông qua vào chiều 19/6.
Đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, an ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân đã được Hiến định nên quy định đóng tiền hoặc lao động công ích để thay thế là không có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, đồng thời làm mất ý nghĩa thiêng liêng. Do đó, Ủy ban đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định này vào dự thảo Luật như một số ý kiến đề nghị. Liên quan đề xuất quy định đăng ký nghĩa vụ quân sự và phục vụ tại ngũ với công dân nữ, ông Khoa nêu, dự thảo chỉ quy định nghĩa vụ quân sự là bắt buộc với công dân nam, còn công dân nữ nếu tự nguyện và có chuyên môn phù hợp, quân đội có nhu cầu thì được đăng ký vào ngạch dự bị. Với đề nghị nghiên cứu quy định riêng cho người đồng tính, báo cáo giải trình nêu, người đồng tính là công dân Việt Nam nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bình đẳng như công dân khác theo Điều 45 Hiến pháp. Vì vậy, Ủy ban đề nghị không quy định riêng trong Luật. |
Võ Hải