Thảo luận tại hội trường về dự luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) sáng 21/11, nhiều đại biểu nhận xét, dự luật chưa đảm bảo được công bằng và chưa thực hiện triệt để quy định của hiến pháp là công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết, thời của ông - những năm 1959-1969, rất nhiều nam thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong quá trình đó, quân đội đã đào tạo được lớp người đáng tin cậy, đặc biệt là sau chiến tranh, đã xây dựng được đội ngũ cán bộ tận tuỵ với đất nước, nhân dân.
"Trước đây quân đội cung cấp nhiều nhân tài cho đất nước, nhưng hiện nay không thực hiện được nữa. Nhiều công dân tìm cách trốn nghĩa vụ với tổ quốc, người có chức quyền tìm cách cho con em thoát nghĩa vụ quân sự. Đặc biệt, do thiếu việc làm nên hiện đa phần người thất nghiệp, con em nông dân, dân tộc mới vào quân đội. Điều này rất bức xúc vì không thực hiện được công bằng xã hội", tướng Rinh nói.
Theo ông, hiến pháp 2013 quy định công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia nền quốc phòng toàn dân, đáp ứng nguồn lực xây dựng quân đội, bảo vệ tổ quốc. Hơn nữa, vị trí Việt Nam rất nhạy cảm so với các nước, chiến tranh và hoà bình ở Việt Nam có khoảng cách không xa. Vì vậy, việc chuẩn bị tiềm lực cho chiến tranh rất quan trọng.
"Cần phải có những chính sách phù hợp để thu hút công dân đến độ tuổi vào quân đội, những người còn lại có hình thức thay thế", tướng Rinh nói và cho rằng, nên có quy định người đã tốt nghiệp đại học chỉ cần 18 tháng hoặc 12 tháng phục vụ quân đội.
Đại biểu Hà Huy Thông, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại phân tích, nghĩa vụ quân sự hiện tại khả năng cung đang lớn hơn cầu. Mục tiêu sửa luật là để đảm bảo công bằng, nhưng 2 phương án kéo dài từ 25 đến 27 tuổi và nâng thời gian phục vụ tại ngũ từ 18 lên 24 tháng, lại đang tạo ra sự khác biệt rõ nét giữa tỷ lệ những người tham gia và không tham gia nghĩa vụ quân sự, gây bất bình đẳng giữa những người đi lính và những người không đi.
Vì vậy, theo ông Thông cần cân đối nguồn lực một cách tổng thể. Lực lượng tham gia nghĩa vụ quân sự rất nhỏ nên phần lớn còn lại, khoảng 95-96% phải tham gia nghĩa vụ dân sự thay thế, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Đại biểu Nguyễn Công Hồng nhấn mạnh, để đảm bảo bình đẳng phải có hai cơ chế: tạo điều kiện để công dân thực hiện quyền, nghĩa vụ thiêng liêng đối với đất nước và phải quản lý nhà nước để họ thực hiện quyền, trách nhiệm đó. Ông Hồng đề xuất, tất cả mọi công dân bất cứ lúc nào gọi là phải nhập ngũ. Một lượng lớn công dân hiện không thực hiện được quyền của mình, thì phải thực hiện nghĩa vụ dân sự thay thế.
Các nghĩa vụ thay thế được đại biểu Huỳnh Văn Tính đề xuất gồm việc tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân, tham gia đội thanh niên tình nguyện, xung kích, xây dựng các công trình quốc phòng an ninh… với thời gian phục vụ và chính sách tương đương với tham gia nghĩa vụ quân sự.
"Tôi đã nghiên cứu thấy nhiều nước quy định nếu anh không đi nghĩa vụ quân sự thì tham gia lao động, hoặc phải nộp tiền thay thế. Điều này đảm bảo công bằng cho mọi công dân trong độ tuổi", ông Hồng nói.
Đa số đại biểu tiếp tục khẳng định thời gian phục vụ tại ngũ cần thiết phải tăng lên 24 tháng. Đại biểu Phan Văn Tường, thiếu tướng, Phó tư lệnh quân khu 1 còn đề xuất ban soạn thảo cân nhắc quy định thống nhất 24 hoặc 36 tháng vì cổ nhân dạy “bắn mà không trúng thì không khác gì súng không có đạn, không huấn luyện mà mang đi đánh tức là mang đi chết".
“Từ một công dân đến một người lính thiện chiến, chiến đấu thực sự cần thời gian nhất định và tuân theo quy luật của tự nhiên thì tâm lý mới ổn định, sức khoẻ mới dẻo dai, kỹ thuật mới thành thục, chiến thuật mới tinh thông, tính đoàn kết kỷ luật mới thành tố chất thường trực của mỗi người”, tướng Tường nói.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó tư lệnh Quân khu 9 nhấn mạnh thêm, thời gian 2 năm mới đảm bảo được yêu cầu huấn luyện, hợp luyện... trong điều kiện vũ khí, khí tài ngày càng hiện đại. Thực tế, quân khu 9 nhiều lần huấn luyện đạn thật đã có thương vong, có trường hợp bộ đội phải huấn luyện liên tục cả ngày đêm, có trường hợp hy sinh, bị thương do thời gian huấn luyện quá áp lực.
"Hiện nghĩa vụ quân sự tuyển được không đáng kể người tốt nghiệp ĐH, CĐ. Vì vậy cần phải quy định cứng tỷ lệ cho từng đối tượng, bao nhiêu % tốt nghiệp THPT, CĐ, ĐH. Hiện cử nhân ra trường không có việc làm rất nhiều", tướng Tỷ đề xuất.
Hoàng Thuỳ