Mức hỗ trợ này được đưa ra trong Nghị định 182 vừa được ban hành ngày 31/12/2024 về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Để được hỗ trợ chi phí ban đầu, doanh nghiệp phải không có nợ thuế, nợ ngân sách. Dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng phải có tác động tích cực đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các công nghệ mới, sản phẩm mới mang tính đột phá của đất nước.
Một điều kiện khác là dự án Trung tâm R&D của doanh nghiệp phải thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên và có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 3.000 tỷ đồng và phải giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 3 năm từ ngày được cấp quyết định đầu tư.
Ngoài các "đại bàng" bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) được hỗ trợ riêng về chi phí đầu tư ban đầu, các doanh nghiệp công nghệ khác cũng được nhiều hỗ trợ chung. Đối tượng được hưởng hỗ trợ chung bao gồm doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Các hỗ trợ này bao gồm chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; chi phí nghiên cứu và phát triển; chi phí đầu tư tạo tài sản cố định; chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; chi phí đầu tư công trình hạ tầng xã hội; các trường hợp khác do Chính phủ quyết định.
Quỹ Hỗ trợ đầu tư là quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập, giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Nhiệm vụ là tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn hợp pháp khác và chi hỗ trợ doanh nghiệp.
Nghị định này có hiệu lực từ 31/12/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.
Trước khi có nghị định này, Việt Nam từng hụt nhiều dự án đầu tư tỷ USD từ các "đại bàng" toàn cầu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng chỉ ra chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam chưa tương thích với bối cảnh mới với sự ra đời của Thuế Tối thiểu toàn cầu, một sáng kiến để tăng cường các hoạt động đa phương. Cụ thể, chính sách chưa đa dạng, chỉ dựa vào các hình thức ưu đãi dựa trên thu nhập (miễn, giảm thuế), ưu đãi tiền thuê đất, chưa có ưu đãi dựa trên chi phí.
Trong một báo cáo năm 2024 về xây dựng nghị định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nhiều tập đoàn lớn đã khảo sát nghiên cứu đầu tư tại Việt Nam nhưng vì chưa có quy định cụ thể nên họ chuyển sang quốc gia khác.
Intel từng đề xuất dự án sản xuất chip với vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, đề xuất Việt Nam hỗ trợ 15% tiền mặt, nhưng sau đó đã chuyển sang Ba Lan. Tập đoàn bán dẫn AT&S của Áo đã khảo sát và dự kiến đầu tư, nhưng Việt Nam không đáp ứng được về cơ chế hỗ trợ theo chi phí và lao động công nghệ cao có sẵn, nên đã chuyển sang Malaysia.
Không chỉ chuyển hướng sang nơi khác, một số dự án công nghệ cao có quy mô lớn cũng chững lại chờ phản ứng chính sách và tạm dừng đầu tư mới, mở rộng nếu không có chính sách hỗ trợ phù hợp. Ví dụ, LG tạm dừng kế hoạch đầu tư dự án mới sản xuất thiết bị điện tử trị giá 5 tỷ USD.
Trí Khang