Ngày nào cũng thế, lưu thông qua ngã tư này mình ước lượng mất tầm 15 phút, nếu tín hiệu đèn hoạt động bình thường, còn không thì lâu hơn. Gần Tết vừa rồi để qua được mình mất đứt một tiếng tròn vì xung đột giữa 2 tuyến đường do lấn đường khi đèn xanh đã tắt.
Dòng phương tiện đổ dồn về ngã tư ngày càng đông và dồn ứ. Ôtô thì hai hàng nối đuôi nhau xe lớn, xe nhỏ. Xe buýt do tính chất dừng đỗ nhiều nên bị xe máy vây quanh. Các khoảng hở giữa 2 làn ôtô thì xe máy bắt đầu chen vào, thỉnh thoảng chủ nhân nhổm lên nhổm xuống nhìn xem phía trước có khoảng trống nào để tiến vào.
Dưới đường thì thế, trên vỉa hè xe máy cũng tràn lên kẹt cứng. Có vẻ ai cũng vội vã, cũng hối hả, cũng bon chen và rồi cùng giẫm chân tại chỗ. Thỉnh thoảng từ trên vỉa hè có bác phi xuống cắt đầu chiếc xe hơi làn này nhưng vướng hông làn kia nên cũng dừng lại. Tay vẫy vẫy ra tín hiệu cho băng ngang qua đường nhưng bác tài trên chiếc ôtô kia lắc đầu ngao ngán.
Cứ thế, dòng phương tiện nhích nhích trong cái nắng khá gắt cuối mùa khô. Chỉ khi các anh CSGT đứng phân luồng, chặn đầu này đầu kia thì tình hình mới cải thiện. Sau khi vượt qua chỗ ùn tắc mới thấy kẹt là do giành đường khi tín hiệu giao thông đã đổi màu, tới cũng không được mà lùi cũng không xong.
Với nhiều người sống và làm việc tại TP HCM và Hà Nội thì tắc đường là chuyện hết sức bình thường, còn không tắc, thông thoáng mới là điều bất thường. Do đó lý do đi làm trễ… do kẹt đường với cá nhân mình thì khó có thể được chấp nhận.
Nguyên nhân gây tắc đường
Tắc đường ở ta chủ yếu tập trung tại 2 thành phố lớn là TP HCM và Hà Nội. Tắc cục bộ và tắc tại một số điểm chứ không hẳn là tắc toàn tuyến. Nguyên nhân tắc này chủ yếu là do:
1) Dồn ứ nhiều phương tiện cùng một lúc theo kiểu “mạnh ai nấy đi” và “lấp vào chỗ trống”
2) Tín hiệu đèn giao thông bị hỏng và không có CSGT để điều tiết.
3) Do đọan đường đang thi công gây cản trở giao thông.
4) Phân làn giao thông và đèn báo không hợp lý.
5) Tai nạn giữa các phương tiện tạo ùn ứ.
6) … và mới đây còn có nguyên nhân nữa là do đường bị chặn nên tắc.
Nguyên nhân nào đi chăng nữa thì dù là đi ôtô, xe máy hay xe đạp, thậm chí là đi bộ thì cũng gây tắc đường cả nếu như ý thức khi tham gia giao thông không được tuân thủ. Tuy nhiên, tùy theo loại phương tiện mà ý thức chấp hành được tuân thủ cao hay thấp mà thôi.
Khi lưu thông qua ngã 3 hay ngã tư, ai sẽ chấp hành luật giao thông nhất nếu là đi bộ? Xe đạp? Xe máy hay ôtô? Câu trả lời đúng nhất là đi chậm lại, đúng làn đường của mình, không chen lấn, dừng lại xếp hàng chờ đèn xanh mới thứ tự tiếp tục di chuyển.
Lý thuyết là thế nhưng thực tế khi tham gia giao thông mà bạn thường gặp như thế nào? Và ai trong số bốn anh chàng trên có ý thức nhất? Một mặt thì cho rằng đường hẹp quá, quy hoạch không đi kịp với thời đại, bên tây, bên tàu họ như thế này còn mình thì… Mặt khác, nếu không lấn thì người khác sẽ lấn, nhanh lên sắp chậm giờ làm rồi… Và thế là cả đoàn cùng lấn, cùng tắc, cùng kẹt, cùng khó chịu… rồi từ đó đổ lỗi cho nhau và nhìn nhau với con mắt hằn học.
Đâu là giải pháp?
Vĩ mô là chuyện của tương lai, chuyện của các chuyên gia giao thông, không thể giải quyết ngay một sớm một chiều, chuyện Tây Tàu là để học tập nhằm rút ngắn khoảng cách chứ không nên so sánh để rồi “tự kỷ” vì họ đi trước ta cả trăm năm. Quốc lộ 1A xong toàn tuyến cũng cần 1-2 năm, cao tốc thì trong vòng 10 năm tới, xe điện trên cao tại TP HCM và Hà Nội thì cần thêm thời gian, tàu điện ngầm và xe lửa cao tốc là chuyện của con cháu sau này. Chỉ có chúng ta mới giúp giải quyết chuyện trước mắt.
Đó là tuân thủ những gì luật quy định về việc tham gia giao thông chứ không nên “đại tiện” (tiện đâu tấp đó từ mớ rau cho đến điếu thuốc) như hiện nay.
Tham gia giao thông phải tuân thủ luật, chưa rành luật thì vào Google tra cứu, nên nhường nhịn nhau một chút để rồi ai cũng sẽ không bị chậm giờ. Chỉ cần áp dụng “văn hóa xếp hàng” thì chuyện tắc nghẽn sẽ được giải quyết dù ở điểm nóng nào.
Sáng nay đi làm, lái xe qua con hẻm nhỏ nhìn các xe máy nép sát vào lề đường nhường mình đi qua mà lòng cảm thấy rất vui và không quên vẫn tay cám ơn khi tới gần. Nhường nhau một chút thì ai cũng sẽ vui để khởi đầu một ngày làm việc mới phải không các bác.
Chúc mọi người tham gia giao thông an toàn và vui vẻ!
Ngô Vĩnh Yên