Rêu đá thường dùng để tiếp đãi khách quý, hoặc dùng trong những bữa ăn quan trọng như tiệc cưới, mừng nhà mới. Chúng chúng chỉ sinh sống ở những vùng nước sạch chưa bị ô nhiễm, như quanh các tảng đá trong lòng suối có nước chảy. Mùa thu hái chủ yếu diễn ra vào giữa đông, đầu xuân, khi những cơn lũ rừng chưa tới.
Người Tày phân rêu đá làm 3 loại: phổ biến nhất là Quẹ, loại rêu mọc dài ở chỗ nước chảy, sợi cứng cáp màu xanh thẫm. Ngoài ra còn Quẹ Nhão, loại rêu ngắn hơn, sợi mềm mảnh mầu xanh nõn chuối và Quẹ Tàu, loại rêu mềm mịn mọc tại những vùng nước lặng không có đá.
Người thu hái rêu đá phải có kinh nghiệm và kỹ năng nhất định, khi di chuyển qua các tảng đá trơn trượt giữa vùng nước lạnh. Thông thường, họ sẽ hái rêu từ cuối dòng suối ngược trở lên để rêu không bị bám bụi bẩn, đất cát.
Rêu hái về được rũ nhẹ nhàng dưới dòng suối chảy, để loại bỏ cành lá mục, đất cát cùng tạp chất. Tiếp đó sẽ vắt khô nước và bày lên tảng đá mịn ven suối, dùng đá hoặc chày đập cho tơi mềm. Trong cộng đồng người Tày, chỉ có phụ nữ mới thu hái rêu đá.
Tùy từng loại rêu mà cách chế biến cũng độc đáo khác nhau. Phổ biến và ngon nhất là món Quẹ chí, rêu đá ướp xả, lá chanh rồi bọc kín trong lá chuối nướng trên than hồng, khi ăn chấm với mắm chanh. Rêu đá có mùi thơm riêng biệt, chỉ cần đi ngang qua cũng có thể biết nhà nào đang làm Quẹ chí. Rêu có thể xào cùng với xả, thịt băm. Quẹ nhão hay Tàu thường được nấu canh. Theo kinh nghiệm dân gian, rêu đá là món ăn mát lành giúp lưu thông khí huyết, thanh nhiệt, giải độc, hạ huyết áp.
Ngày nay khi môi trường tự nhiên có nhiều biến đổi, nguồn nước ở một số nơi ô nhiễm nên rêu đá ngày càng trở nên khan hiếm, những món ăn từ rêu đá chỉ còn trong tiềm thức của người lớn tuổi. Men theo con suối giữa rừng nguyên sinh vào mùa đông, luồn tay vớt vạt rêu đá mát lạnh, hay chầm chậm thưởng thức món rêu nướng thơm lừng bên bếp lửa nhà sàn là một trải nghiệm không thể nào quên đối với du khách.
10 món người Việt thích, khách nước ngoài e dè
Nguyễn Minh Chuyển