Blogger quân sự Trung Quốc David Wang cuối tuần trước đăng loạt video về cuộc diễn tập trên bờ của lực lượng đặc nhiệm Giao Long Trung Quốc, đơn vị tương tự đặc nhiệm SEAL của Mỹ và SBS của Anh.
Video đầu tiên cho thấy một thành viên của đặc nhiệm Giao Long ngoi lên từ dưới hồ, trên tay cầm một thiết bị bay không người lái (drone) có hình dạng giống hệt chim. Sau khi được phóng lên không, chiếc drone bay lượn nhiều vòng trên bầu trời, vừa bay vừa vỗ cánh như một con chim thật sự.
Một video khác cho thấy các đặc nhiệm Trung Quốc sử dụng xe trượt gắn động cơ, một người cầm theo drone giống chim với kích thước lớn hơn. Sau khi đi qua cổng một khu nhà, người này đã "thả" cho drone bay lên trời.
Truyền thông Trung Quốc hồi tháng 3 từng đăng video chuyến bay thử nghiệm của một mẫu drone mới có tên gọi "Chim cắt nhỏ". Nó bay bằng cách vỗ cánh và được truyền thông Trung Quốc gọi là loại drone kiểu chim "linh hoạt và giống thật nhất" trên thế giới.
Global Times mô tả mẫu drone này phù hợp với hoạt động "trinh sát, giám sát và thậm chí là tấn công chính xác trong các chiến dịch đặc biệt". Hình dáng và cử động vỗ cánh giống như chim thật giúp drone khó bị đối phương phát hiện, hãng dẫn lời một chuyên gia giấu tên nhận định.
Không rõ drone được đặc nhiệm Giao Long sử dụng trong các video mới đăng có phải mẫu "Chim cắt nhỏ" hay không.
Drone giống chim trên thực tế không phải ý tưởng mới. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) những năm 1960 từng nghiên cứu phát triển drone có khả năng ngụy trang thành chim trong khuôn khổ Dự án Aquiline.
Dù chương trình này đã bị hủy bỏ do công nghệ thời đó chưa cho phép chế tạo drone có kích thước đủ nhỏ hoặc trông giống thật, nó là tiền đề để Mỹ phát triển công nghệ đang được ứng dụng trên các mẫu máy bay không người lái (UAV) hiện nay của nước này.
Tạp chí khoa học Science Robotics hồi năm 2020 đăng công trình nghiên cứu của một nhóm kỹ sư đa quốc gia, trong đó giới thiệu một mẫu drone giống chim có cánh hình chữ X với trọng lượng chỉ 26 gam, có thể sử dụng cho các nhiệm vụ "dành cho thiết bị bay siêu nhỏ".
Dự án GRIFFIN do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ năm ngoái cũng trình diễn một loại chim robot có thể đậu trên cành cây bằng móng vuốt. Nó được coi là "giải pháp thay thế cho trực thăng", theo nhà sản xuất.
Giao Long là đơn vị thuộc hải quân Trung Quốc, có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động trên biển như đổ bộ lên tàu hay chiến đấu dưới mặt nước. Họ cũng có thể thực hiện nhiều loại nhiệm vụ trên đất liền, như đột kích vào mục tiêu hay trinh sát tầm xa.
Đặc nhiệm Giao Long từng giúp hàng trăm người Trung Quốc và công dân các nước khác sơ tán khỏi thành phố cảng Aden tại Yemen hồi năm 2015, cũng như giành lại tàu hàng bị hải tặc bắt ở Vịnh Aden sau đó hai năm.
Phạm Giang (Theo Global Times, War Zone)