giờ sáng, anh Phúc chuẩn bị lên tàu ra biển bắt ốc.
Anh đi trên một chuyến tàu thuê. Những người bắt ốc không có tiền mua tàu riêng, nên mỗi lần đánh quả bốn năm ngày ngoài biển, họ gom tiền thuê tàu chuyến với giá hơn 2 triệu đồng. Trên chuyến tàu đó, là hơn chục người với xoong nồi, gạo, nước và vài ba bộ quần áo cũ. Dụng cụ để bắt và đựng ốc là những chiếc làn, găng tay, móc sắt và đèn pin.
Những con tàu rẽ sóng ra khơi, chở hàng trăm ngư dân đi bắt ốc biển. Họ chia thành từng nhóm khác nhau ra các đảo thuộc huyện Hải Hà, Đầm Hà, Cô Tô.
Ngư dân Phúc đã làm nghề này hai mươi năm. Năm 13 tuổi, vừa hết lớp 6, gia đình khó khăn nên Phúc bỏ học để theo nghề bắt ốc. "Người dân huyện này chủ yếu sống nhờ biển. Như khu xóm nhà tôi, hầu hết đều bám biển để mưu sinh, người thì đi đánh lưới, đào sá sùng, người thì theo nghề bắt ốc".
Thủy triều xuống, trên gành đá nơi đảo xa lộ ra những con ốc, họ bắt đầu đi cạy từng con ốc nhỏ. Hết ốc lộ, họ dùng sức bẩy những tảng đá lên, bắt ốc nằm sâu trong hốc. Trời tối, họ dùng đèn pin soi. Ngay cả khi thủy triều lên cũng có người nhảy xuống lặn bắt ốc biển. Rồi nghỉ luôn cạnh gành đá: nấu nướng ngủ nghỉ trên thuyền, hoặc dựng lán bốn năm người trên đá. Sáng hôm sau, họ lại đi tiếp, đến nơi xa hơn. Cứ thế năm ngày.
Mùa hè thì nắng cháy da cháy thịt, mùa đông gió biển lạnh buốt, đêm ngủ muỗi đốt, rồi giông lốc bất chợt khiến cho hành trình của người bắt ốc đôi khi thành nỗi khiếp đảm.
Tổng thu nhập cho hành trình đó, nếu may mắn, dao động từ 500.000 đến một triệu đồng.
Anh Phúc là người Vân Đồn. Anh đã lớn lên trên một vùng đất bị cô lập với phần còn lại của tỉnh Quảng Ninh. Trung tâm huyện chỉ cách trung tâm Cẩm Phả - thủ phủ của ngành than – hơn 7km. Nhưng nhiều thập kỷ trước, Vân Đồn bế tắc trong phát triển kinh tế bởi sự chia cắt với đất liền do lạch biển Cửa Ông và sông Voi Lớn. Lúc bấy giờ, phương tiện đi lại giữa đảo và đất liền là phà.
Phải tới năm 2000, dự án cầu Vân Đồn, nối thành phố Cẩm Phả với huyện Vân Đồn mới được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt. Đến tháng 7/2006 ba cây cầu Vân Đồn I, II, III trên tỉnh lộ 334 được đưa vào sử dụng.
Vân Đồn vẫn nổi tiếng cả nước với những bãi biển hoang sơ yên tĩnh, bờ cát mịn trải dài hàng cây số. Bên cạnh cảnh quan tự nhiên, các xã đảo của Vân Đồn còn có nhiều di tích giá trị như hệ thống bến cảng cổ của Thương cảng Vân Đồn, đình Quan Lạn... và làng nghề truyền thống như: làm mắm, đánh lưới, chế biến hải sản.
Suốt một giai đoạn lịch sử, những "tiềm năng" ấy không giúp Vân Đồn thoát nghèo.
Tới tận năm 2015, năm xã đảo là Quan Lạn, Minh Châu, Bản Sen, Ngọc Vừng và Thắng Lợi - những vùng thiên nhiên từ lâu nổi tiếng trong tâm trí người yêu du lịch – mới có điện.
Điện và ba cây cầu lớn không giúp Vân Đồn lột xác. Không có một hướng đầu tư cụ thể nào, chất lượng dịch vụ ở nơi này vẫn rất thấp. Toàn huyện chỉ có 8 khách sạn hai sao, 6 khách sạn một sao, 82 nhà nghỉ. Năm 2016, Vân Đồn đón 900.000 lượt khách du lịch, đạt doanh thu 800 tỷ đồng.
Nghĩa là mỗi khách du lịch đến vùng đất này, tiêu trung bình chưa đến một triệu đồng cho một lần thăm viếng.
Và nhiều người dân Vân Đồn như anh Phúc, những đồng nghiệp bắt ốc và người cùng làng anh, vẫn sống bám vào việc khai thác tài nguyên biển. "Không có công ty xí nghiệp, cũng không có việc làm" – ông Nhự, một người bắt ốc biển tóm tắt giản lược bức tranh kinh tế. "Không bám biển để mưu sinh thì không biết làm nghề gì khác".
Nguồn tài nguyên ấy cũng đang dần cạn. Những năm gần đây anh Phúc và bạn biển phải đi xa hơn mới tìm được ốc. Một số đảo gần bờ không cho phép khai thác nữa, một số khác thì ít ốc đi. Người bắt ốc thâm canh ở những gành đá gần bờ quá nhiều, đoàn này lại đoàn khác. Những năm trước, mỗi chuyến ra khơi thu về hàng chục cân ốc. Bây giờ, chỉ còn chục cân, bán được một triệu.
Điện và ba cây cầu lớn chưa giúp dân Vân Đồn đổi đời. Tỷ lệ hộ nghèo của Vân Đồn vẫn cao hơn mặt bằng chung của tỉnh Quảng Ninh, và GDP thấp hơn một nửa mức trung bình tỉnh. 11 xã thì có tới 6 xã thuộc vùng khó khăn. Ông Nhự có hai đứa con, đang tuổi thanh niên, đi làm thuê bên ngoài nay đây mai đó.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ kế hoạch đầu tư đề cập tới những con ốc của anh Phúc và ông Nhự bằng một cách diễn đạt khác: "Việc khai thác các tiềm năng, lợi thế tự nhiên và nguồn lực của đất nước đã dần tới hạn".
Đó là một trong những lý do được viết trong tờ trình của "Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt" mà Chính phủ đang trình Quốc hội. Nói dễ hiểu, đây là Luật cho phép thành lập đặc khu kinh tế.
Người dân Vân Đồn đang chờ đợi ngày trở thành một đặc khu kinh tế. Trong tháng 10, khi kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, chính quyền huyện thông báo: gần 99% người dân được lấy ý kiến tại địa phương này, hơn 30 nghìn người, khẳng định họ muốn thấy Vân Đồn trở thành đặc khu.
Lần đầu tiên khái niệm "đặc khu kinh tế" được đề ra ở tầm quốc gia, là 20 năm về trước. Năm 1997, cũng là năm mà cậu bé Phúc bắt đầu nghề đi mót ốc biển trên những gành đá vịnh Bái Tử Long, Nghị quyết trung ương 4 khóa VIII đề ra giải pháp: "... nghiên cứu xây dựng vài đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do ở những địa bàn ven biển có đủ điều kiện".
Khái niệm này được nhắc lại ở Văn kiện Đại hội X năm 2006. Tới năm 2011, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 được Đại hội XI thông qua có đoạn "lựa chọn một số địa bàn có lợi thế vượt trội, nhất là ở ven biển để xây dựng một số khu kinh tế làm đầu tàu phát triển".
Trong suốt 20 năm đó, chủ trương không trở thành chính sách. Việt Nam vẫn trông vào các mô hình cũ. "Qua hơn 25 năm phát triển mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế ở nước ta, mặc dù đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và cả đất nước nhưng mô hình này hiện không còn mới, kém linh hoạt; cơ chế, chính sách ưu đãi chưa đủ sức cạnh tranh quốc tế" – tờ trình của Luật viết.
Và cũng trong thời gian đó, các nước châu Á liên tục thử nghiệm những mô hình "đặc khu kinh tế", "đặc khu hành chính", "thành phố tự do", "thành phố công nghiệp – công nghệ cao thông minh"... để thu hút đầu tư và tạo đà cho phát triển.
Bốn mươi năm trước, những ngư dân Thẩm Quyến, Trung Quốc giải quyết sự bế tắc trong kinh tế bằng việc vượt biên sang Hong Kong. Năm 1977, hơn một nghìn người Thẩm Quyến – khi đó còn gọi là quận Bảo An, vượt biên sang Hong Kong. Trong vòng 3 năm sau đó, con số này tăng lên gấp 10 lần. Cho tới khi thành phố Thẩm Quyến được thành lập năm 1980 – tổng số 50.000 người, tức là 14% dân số địa phương, đã bỏ sang Hong Kong.
Sau đó, Đặc khu kinh tế Thẩm Quyến ra đời và phần còn lại đã đi vào lịch sử. Bây giờ nói đến Thẩm Quyến, người ta nói đến sự lột xác thần kỳ của vùng ven biển nghèo, nơi các ngư dân loay hoay với miếng ăn hàng ngày, những ngôi làng vãn đàn ông vì bỏ xứ, trở thành một siêu đô thị sánh ngang hàng Hong Kong.
Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình đều tạo dấu ấn của mình bằng những đổi thay của Thẩm Quyến. Các đổi thay đến từ việc thiết kế lại và bổ sung mô hình.
Một trong những địa chỉ mà cả ông Đặng Tiểu Bình và ông Tập Cận Bình đặc biệt thăm viếng – như một biểu tượng cho sự đổi thay của Thẩm Quyến – tên là "Làng Ngư Dân" (Yumin), cái tên nói lên xuất phát điểm của vùng đất này.
Nhưng theo vụ trưởng Đông, vấn đề không phải nằm sự thần kỳ của bản thân khái niệm "đặc khu kinh tế" khi nó được thành lập, mà là việc các đặc khu này, ngay cả sau khi ra đời, vẫn có một cơ chế mở cho phép điều chỉnh chính sách liên tục để thích ứng với nhu cầu của phát triển.
Đó là nơi mà một quốc gia có thể thử nghiệm các chính sách kinh tế của mình. Một phòng thí nghiệm chính sách (policy laboratory), theo cách nhiều nhà khoa học phương Tây gọi những đặc khu kinh tế thành công. Vụ trưởng Đông đồng ý với cách gọi này. Những chính sách kinh tế thành công tại đặc khu, sẽ trở thành hình mẫu để áp dụng tại các nơi khác trong cả nước. Thứ mà một quốc gia có thể khai thác từ một đặc khu, không phải là ốc biển giá 100.000 đồng một cân, mà là thuế, việc làm và đặc biệt là các chính sách mang tính đột phá.
Quan trọng nhất, là mô hình chính quyền địa phương. Có hai phương án đang được đưa ra để lựa chọn. Một phương án là vẫn giữ nguyên Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân như hiện nay. Một phương án, là thiết chế Trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, không có HĐND và UBND – trưởng đặc khu sẽ được thủ tướng bổ nhiệm, và có quyền quyết định tổ chức toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế xã hội trên địa bàn.
Phương án "trưởng đặc khu" mà Bộ Kế hoạch Đầu tư đề xuất trong dự thảo luật sẽ trao tới 126 thẩm quyền cho vị này - trong đó có tới 77 thẩm quyền vốn thuộc về thủ tướng.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tin rằng phương án "trưởng đặc khu" mới là đột phá. Ông Nguyễn Văn Thành, phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh nói trên báo rằng "nếu không trao thẩm quyền thì trưởng đặc khu cũng không khác gì anh chủ tịch huyện".
Trong phương án "trưởng đặc khu", vị này sẽ tự quyết rất nhiều vấn đề mà không cần thông qua tỉnh. Các dự án nhóm A được tự phê duyệt. Biên chế, lương hay việc thuê chuyên gia nước ngoài cũng do trưởng đặc khu tự quyết. Trưởng đặc khu, trở thành kỹ sư trưởng của phòng thí nghiệm chính sách.
Thẩm quyền của tòa án đặc khu cũng cao hơn tòa án huyện. Họ sẽ được xét xử sơ thẩm các tranh chấp có yếu tố nước ngoài, vốn thuộc thẩm quyền của tòa án tỉnh. Một nỗ lực đề cao lợi ích của các nhà đầu tư kinh tế.
Chi tiết quan trọng nhất trong những dự định mà Bộ Kế hoạch Đầu tư đang trình Quốc hội, là việc "Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt" sẽ là một luật ưu tiên. Nó có quyền lực chỉ sau Hiến pháp. Nếu phát sinh điểm khác biệt giữa luật này so với các luật khác, thì việc thi hành sẽ tuân theo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Vân Đồn (Quảng Ninh) được chọn là nơi sẽ xây những phòng thí nghiệm đầu tiên mang tên "đặc khu kinh tế", nếu Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được thông qua.
Chữ "Nếu" này sẽ phải chờ các phiên thảo luận tại Quốc hội vào kỳ họp thứ 4 đang diễn ra. Lần đầu tiên sau 20 năm kể từ khi khái niệm "đặc khu kinh tế" được đưa vào nghị quyết, nó có triển vọng trở thành luật. Dự kiến, Luật sẽ được trình thông qua vào kỳ họp thứ 5, tức là năm 2018.
Trong khi Việt Nam đang thảo luận, tại Trung Quốc, ông Tập đang cho xây dựng những mô hình đặc khu thế hệ tiếp theo. Tiền Hải, thứ được gọi là "Khu vực hợp tác thương mại công nghiệp hiện đại" nằm trong Thẩm Quyến - nôm na là "đặc khu trong lòng đặc khu" đang được xây dựng.
Từ lúc thành lập đến nay, Tiền Hải thu hút 48 tỷ USD vốn đầu tư, với 200 trong số 500 công ty lớn nhất thế giới cập bến.
Nếu bỏ qua 20 năm kể từ Nghị quyết Đại hội VIII, thì tổng thời gian đi từ Nghị quyết số 142 của Quốc hội về việc xây dựng đặc khu kinh tế (tháng 4/2016) đến khi có luật tại Việt Nam là 2 năm.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, một nền kinh tế giàu có lâu đời, thủ tướng Shinzo Abe mất một năm kể từ khi nêu ra để có luật dành cho các đặc khu kinh tế. Bất chấp sự thịnh vượng, Nhật Bản cảm nhận được các trì trệ và sự cấp thiết trong thay đổi. Ông Abe, trong lời hứa của mình về đặc khu kinh tế vào năm 2014, tuyên bố nó sẽ là "mũi khoan vào tảng đá của các nhóm lợi ích". Nhật Bản cần có đặc khu kinh tế để "xóa sạch những lề luật bám rễ tại các địa phương", theo cách nói của Masato Imai, một lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập.
Trong viễn cảnh của đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí và 2,1 tỷ USD thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2030.
Trong viễn cảnh của đặc khu kinh tế Vân Đồn, anh Phúc và ông Nhự nhìn thấy những lợi ích hẹp hơn. Họ mong con mình có việc làm tử tế. "Vân Đồn đang được đầu tư nhiều, và tương lai sẽ là Đặc khu kinh tế. Người dân địa phương sẽ có cơ hội có được việc làm tốt", ông Nhự lạc quan.
Tương lai mà ông Nhự trót tin là sự thật hiển nhiên, sẽ phải chờ các phiên thảo luận ở Quốc hội. Và trong số các câu hỏi mà giới chuyên gia nêu ra, còn có một chữ "nếu" khác. Đó là việc các đặc khu được thành lập nhưng bản thân người dân địa phương, với trình độ tay nghề thấp, không hưởng lợi gì.
Nhưng trong tưởng tượng của những người mót ốc Vân Đồn, thì các yếu tố kinh tế vĩ mô không tồn tại, chỉ có viễn cảnh mót ốc là đáng sợ.
"Có đặc khu thì thế hệ trẻ không phải đi bắt ốc nữa" – cả ông Nhự và anh Phúc nói cùng một mơ ước đơn sơ, cho con cái mình.
Bài: Đức Hoàng - Minh Cương
Ảnh: Minh Cương - Tiến Thành
Đồ họa: Tiến Thành