Phát triển vũ khí hạt nhân song song với cải cách kinh tế là chính sách mà lãnh đạo Kim Jong-un đã công bố trong cuộc họp của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên ngày 31/3/2013. Giờ đây, Bình Nhưỡng tuyên bố đã hoàn thành chương trình phát triển vũ khí mà muốn tập trung vào kinh tế.
Một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên có các động thái giảm căng thẳng và cởi mở với các nước khác trong thời gian gần đây vì nước này đang bị dồn vào chân tường do các biện pháp trừng phạt. Nhưng nhiều người khác nói rằng tiến bộ đáng kể trong chiến lược "kinh tế và quốc phòng cùng tiến" đã khiến Kim Jong-un tự tin cảm thấy đã đến lúc biến Triều Tiên thành "cường quốc kinh tế".
Hồi mùa thu, một chuyên gia về kinh tế Triều Tiên đã đi taxi ở Bình Nhưỡng và nhận thấy sự khác biệt trong giá được niêm yết. Giá đi một km vào ban ngày là 49 won trong khi ban đêm là 98 won. Phí taxi có thể được thanh toán bằng ngoại tệ, chẳng hạn như đồng USD, EUR và nhân dân tệ, theo Asahi Shimbun.
Ngoại tệ rất có giá trị ở Triều Tiên. Trong khi theo tỷ giá hối đoái chính thức, 1 USD đổi được 108 won thì theo tỷ giá thị trường, nó đổi được khoảng 8.000 won. Chuyên gia cho biết ngày càng có nhiều người Triều Tiên trả tiền bằng ngoại tệ khi đi taxi. Tại Bình Nhưỡng có vài nghìn xe taxi hoạt động.
Khách khứa tại lễ cưới con một lãnh đạo đảng cấp cao ở Bình Nhưỡng cũng trao tiền mừng bằng ngoại tệ. Một người tham dự cho biết các đảng viên đã mừng 100 USD tiền mặt, một người thậm chí còn mừng 500 USD.
Người Triều Tiên trước đây chỉ làm công việc nhà nước phân công và nhận lương do chính phủ quy định. Thay đổi chính sách đã giúp họ tự lựa chọn nghề nghiệp và kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách làm việc chăm chỉ hơn. Triều Tiên từng cấm các khu chợ nhưng Kim Jong-un sau đó cho chúng hoạt động để hướng tới một nền kinh tế cởi mở hơn.
Triều Tiên hiện có khoảng 440 khu chợ. Tầng lớp "thương nhân" đã xuất hiện ở một đất nước mà trước đây chỉ có công chức và sĩ quan quân đội. Các thương gia hiện chiếm khoảng 10% trong tổng số 11 triệu người tham gia vào hoạt động kinh tế ở Triều Tiên.
Chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên đã khiến nước này lĩnh các lệnh trừng phạt quốc tế. Nhưng cải cách kinh tế - trụ cột còn lại của chính sách phát triển song song - đã giúp ông Kim giữ vững quyền lực trong nước.
"Kim Jong-un - người đã mang lại thay đổi - được công chúng đón nhận tốt hơn cha mình, Kim Jong-il", một nguồn tin am hiểu về Triều Tiên nói.
Tất nhiên, Triều Tiên vẫn còn chặng đường dài để đi trước khi trở thành cường quốc kinh tế. Giữa thủ đô Bình Nhưỡng và phần còn lại của đất nước có khoảng cách giàu nghèo lớn.
Một chuyên gia đã lái xe từ Bình Nhưỡng đến tỉnh Kangwon, đông Triều Tiên vào năm ngoái, cho biết ông mất chưa đến 4 giờ để đến thủ phủ của tỉnh là Wonsan bằng đường cao tốc. Tuy nhiên, khi đi qua Wonsan, chiếc xe phải chạy với tốc độ chỉ 30 km/h vì điều kiện đường sá. "Không có điện và nước ở nông thôn", chuyên gia cho biết.
Ngày 11/4, vào lễ kỷ niệm 6 năm ông Kim trở thành người đứng đầu đảng Lao động, báo đảng Rodong Sinmun đăng một bài xã luận trên trang nhất để ca ngợi thành tựu của ông. Tuy nhiên, tờ này không đề cập đến phát triển hạt nhân. Sự im lặng này được cho là có liên quan đến triển vọng tổ chức đàm phán trực tiếp với Mỹ.
Nhiều nhà quan sát ở Nhật, Mỹ và Hàn Quốc đánh giá sự thay đổi thái độ của Triều Tiên là do ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt. Nhưng một cựu quan chức Hàn Quốc cấp cao không đồng ý với ý kiến này.
"Cách nhìn đó chỉ giải thích được một phần của vấn đề", cựu quan chức cho biết. "Triều Tiên muốn đối thoại bởi vì họ đã hoàn thành phát triển hạt nhân theo chính sách phát triển song song và họ quyết định rằng đất nước bây giờ có cơ hội để thay đổi cuộc chơi".
Phương Vũ