Trung tâm nghiên cứu ý kiến công cộng Nga (VTsIOM) hôm 29/6 cho biết đã tiến hành thăm dò 163.124 cử tri tại 800 trạm bỏ phiếu ở 25 khu vực của Nga trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp, trong đó 76% ủng hộ cải cách và khoảng 23,6% không ủng hộ.
Cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp Nga bắt đầu từ ngày 25/6 và được tổ chức trong 7 ngày để đề phòng đại dịch Covid-19. Nếu được thông qua, hiến pháp mới sẽ cho phép Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục tái tranh cử hai nhiệm kỳ nữa, sau khi thời gian cầm quyền của ông hiện nay kết thúc vào năm 2024.
Duma quốc gia Nga (Hạ viện Nga) hồi tháng ba nhất trí thông qua dự thảo hiến pháp sửa đổi do Tổng thống Putin đề xuất với tỷ lệ 383 phiếu thuận, 0 phiếu chống và 43 phiếu trắng. Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) vài giờ sau đó thông qua dự thảo với tỷ lệ 160 phiếu thuận, một phiếu chống và ba phiếu trắng.
Dự thảo hiến pháp này xóa bỏ các hạn chế đối với tổng thống đương nhiệm, thiết lập lại các nhiệm kỳ tổng thống trước đây về 0, giúp Putin tiếp tục tái tranh cử sau năm 2024. Putin cũng tuyên bố ông ủng hộ đề xuất sửa đổi hiến pháp này, nhưng khẳng định nó chỉ có hiệu lực sau khi được đa số người dân chấp thuận qua trưng cầu dân ý.
Hiến pháp Nga hiện hành cấm các tổng thống phục vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Putin từng giữ chức tổng thống Nga từ năm 2000 đến 2008, sau đó trở thành thủ tướng vào năm 2008 đến 2012 và tái đắc cử Tổng thống vào năm 2012.
Putin cho rằng những sửa đổi hiến pháp này "lẽ ra nên được thực hiện từ lâu", đồng thời cho rằng chúng "sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển ổn định, tích cực của nước Nga trong viễn cảnh lâu dài". Ông cũng khẳng định nước Nga chưa sẵn sàng để có một lãnh đạo mới.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)