Chỉ hai tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ lên 12,5% - tốc độ nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn. Bây giờ, khi các ca nhiễm Covid-19 tăng vọt, sự lạc quan đó đang ngày càng bị nghi ngờ.
Tại Delhi, thủ đô của Ấn Độ, hầu hết đường phố im lìm và các khu chợ gần như vắng vẻ vì cửa hàng đều đóng cửa chống dịch. Khung cảnh tương tự ở Mumbai, trung tâm tài chính chiếm 6% GDP đất nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng Narendra Modi đang tránh biện pháp phong tỏa toàn quốc và khuyến khích các bang cởi mở hoạt động kinh tế. Vì lý do này mà các nhà kinh tế dù đang nhận ra những rủi ro cho sự phục hồi nhưng vẫn chưa thay đổi các dự báo đã nêu trước đó.
"Làn sóng bùng phát Covid-19 thứ hai có thể làm trì hoãn, nhưng theo quan điểm của Fitch, không có khả năng làm chệch hướng quá trình phục hồi", Fitch tuyên bố hôm 22/4 và vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng 12,8% trong giai đoạn 12 tháng tính đến tháng 3/2022 cho nước này.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) trong tháng này cũng giữ nguyên ước tính tăng trưởng 10,5% cho năm tài chính hiện tại. Nhưng Thống đốc Shaktikanta Das cho biết sự gia tăng của các ca nhiễm tạo ra bất ổn lớn hơn, và có thể trì hoãn hoạt động kinh tế trở lại bình thường.
Nhưng theo chuyên gia Abhishek Gupta của Bloomberg Economics, các dữ liệu cho thấy hoạt động bán lẻ ngày càng thu hẹp trong tuần đến ngày 18/4 so với mức trước đại dịch vào tháng 1/2020. Đó là rủi ro chính đối với một nền kinh tế nơi tiêu dùng chiếm khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội.
"Các biện pháp ngăn chặn đại dịch riêng ở từng địa phương sẽ là lực cản đối với tăng trưởng", Teresa John, Nhà phân tích của Nirmal Bang Equities có trụ sở tại Mumbai, cho biết. 10 bang của Ấn Độ - chiếm khoảng 80% số ca Covid-19 - đang đóng góp gần 65% sản lượng quốc gia. Tuy nhiên, vị chuyên gia vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng "thận trọng" của mình, ở mức 7% cho năm tài chính hiện tại.
Sự lưỡng lự của các nhà kinh tế trong việc xem xét lại các dự báo tăng trưởng có thể bắt nguồn từ kỳ vọng cuộc khủng hoảng sẽ sớm kết thúc. Ngoài ra, họ vẫn đang tự tin nhờ vào động lực là hơn 100 triệu người trên tổng số hơn 1,3 tỷ người của Ấn Độ đã được tiêm chủng. Các nhà hoạch định chính sách thì hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ tài khóa và tiền tệ.
Upasna Bhardwaj của Kotak Mahindra Bank, một trong số ít chuyên gia đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế 50 điểm cơ bản, xuống 10% cho năm hiện tại. "Tuy nhiên, sự không chắc chắn vẫn còn", bà nói.
Bất ổn có vẻ sẽ không nhanh chóng biến mất, khi Ấn Độ có thêm hơn 300.000 ca mỗi ngày trong ít nhất ba ngày liên tiếp vào tuần trước, đẩy tổng số ca nhiễm bệnh lên hơn 16,5 triệu. Không chỉ khiến các bệnh viện và lò thiêu quá tải, đợt bùng phát cũng đánh vào niềm tin của người tiêu dùng vào một nền kinh tế mới chỉ bắt đầu phục hồi sau cuộc suy thoái chưa từng có hồi năm ngoái.
"Sự gia tăng các ca nhiễm đã dẫn đến việc tái áp đặt các biện pháp phong tỏa một phần ở các thành phố và bang bị ảnh hưởng nhiều, và có thể kích hoạt phong tỏa hoàn toàn nếu tình hình xấu đi", Kristy Fong, Giám đốc đầu tư cấp cao về chứng khoán châu Á tại Aberdeen Standard, nhận định. "Điều này sẽ có tác động mạnh mẽ đến việc tái mở cửa nền kinh tế và triển vọng phục hồi", ông nói thêm.
Những lo ngại đó đã góp phần làm cho chỉ số chứng khoán chuẩn của Ấn Độ hoạt động kém nhất châu Á trong tháng này. Đồng rupee cho đến nay cũng ở mức kém nhất khu vực trong tháng qua, khi các nhà giao dịch tính đến tác động của các hạn chế đối với tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù các nhà hoạch định chính sách báo hiệu rằng họ đã sẵn sàng thực hiện các bước để hỗ trợ tăng trưởng, việc không hạ số ca nhiễm bệnh vẫn có thể gây áp lực lên các chính sách tài chính và tiền tệ, vốn đã dùng hầu hết "room" thông thường.
Chính phủ Ấn Độ còn ít dư địa cho các biện pháp tài chính, khi đã tung ra một khoản vay gần kỷ lục đến 12.100 tỷ rupee (162 tỷ USD) trong năm nay để thúc đẩy chi tiêu trong nền kinh tế. Về phần mình, RBI cũng đã cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục vào năm ngoái. Sau đó, họ đành dựa vào các công cụ không chính thống, bao gồm việc công bố Chương trình Mua lại Chứng khoán của Chính phủ, để kiểm soát chi phí đi vay.
Ấn Độ cũng có thể phải cần phát hành trái phiếu nhiều hơn để huy động tiền nhằm đối phó với làn sóng thứ hai. Tuy nhiên, theo B. Prasanna, người đứng đầu thị trường toàn cầu, kinh doanh, bán hàng và nghiên cứu tại ICICI Bank, những lo ngại về tăng trưởng xuất hiện khi đợt dịch mới bùng lên, cộng với lạm phát có thể vẫn tiếp tục duy trì, sẽ khiến lợi suất trái phiếu sẽ khó giảm, bất chấp những nỗ lực của RBI.
Và dù có hay không phong tỏa, một số nhà kinh tế nhận thấy đại dịch đang đè nặng lên niềm tin của người tiêu dùng - xương sống của nền kinh tế.
"Gánh nặng ngày càng tăng của các ca nhiễm có thể là một yếu tố tiêu cực đối với động lực tăng trưởng và phục hồi kinh tế", Shubhada Rao, Nhà sáng lập QuantEco Research ở Mumbai, cho biết. "Có khả năng điều này làm giảm tốc độ tăng trưởng. Đây vẫn là một câu chuyện chưa có hồi kết", vị này nói.
Phiên An (theo The Economic Times)