Ngày 15/11, Cục Quản lý tài nguyên nước kiểm tra tình hình sản xuất nước sinh hoạt tại nhà máy nước Cầu Đỏ và trạm bơm phòng mặn An Trạch, trước thực trạng hơn một triệu người dân Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt. Đoàn ghi nhận tình trạng nguồn nước thô ở Cầu Đỏ bị nhiễm mặn.
Đại diện Công ty Khai thác thủy lợi Đà Nẵng cho biết, từ tháng 10 đến nay, mực nước tại An Trạch dao động 1,8-1,9 m, thấp nhất là 1,6 m. Nguồn nước thô tại trạm bơm đủ để cung cấp cho nhà máy nước hoạt động. Do đó, yếu tố thời tiết (mưa ít, xâm nhập mặn) chưa phải là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Trước phản ánh của Công ty Khai thác thủy lợi Đà Nẵng, ông Châu Trần Vĩnh, Cục phó Quản lý tài nguyên nước, đặt câu hỏi: "Nguồn nước thô tại trạm An Trạch không bị thiếu thì đâu là nguyên nhân gây thiếu nước sạch?".
Tổng giám đốc Dawaco Đà Nẵng, ông Hồ Hương, giải thích theo thiết kế đường ống từ năm 2008 (đến nay chưa được cải tạo) thì dù hoạt động hết công suất, trạm bơm An Trạch chỉ có thể cấp 210.000 m3/ngày. Trong khi hai nhà máy Cầu Đỏ và Sân Bay (cung cấp nước chính cho người dân) phải đạt công suất 280.000 m3/ngày mới đủ, nghĩa là mỗi ngày vẫn thiếu 70.000 m3 nước.
Từ thực tế này, lãnh đạo Cục Quản lý tài nguyên nước nhận định, việc người dân Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt trong nhiều ngày không phải do thiếu nước nguồn mà do hệ thống vận hành khai thác không đảm bảo. "Trong giấy phép hoạt động của nhà máy nước được Bộ Tài nguyên Môi trường cấp thì một trong những nguyên tắc đầu tiên là phải có biện pháp đảm bảo lượng nước đủ công suất, đáp ứng nhu cầu phục vụ sinh hoạt người dân", ông Vĩnh nói.
Nguy cơ hạn hán toàn miền Trung do lượng nước thấp nhất trong 45 năm
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy văn (Bộ Tài nguyên Môi trường), nguy cơ hạn hán trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (thượng nguồn cung cấp nước cho vùng hạ du Đà Nẵng, và thành phố Hội An, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đang ở mức lo ngại. Trong hai tháng 9-10, tổng lượng mưa thấp hơn 30-70% trung bình nhiều năm. Lượng nước mùa lũ năm nay cũng thiếu hụt 70-80% so với trung bình nhiều năm.
Ông Nguyễn Văn Lân, Phó giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh cho biết, riêng tại Sông Tranh năm nay nước rất kiệt. Đến tháng 11, lưu lượng nước về hồ chỉ bằng 10% trung bình năm. "So với chuỗi thuỷ văn 45 năm thu thập thì 2018 là năm có mực nước thấp kỷ lục", ông nói và lo ngại năm 2019 nếu tình hình thiếu nước xảy ra thì cả vùng Hội An cũng sẽ bị nhiễm mặn nặng.
"Gọi là mùa lũ nhưng năm nay thực ra lại đang hạn. Đang giữa mùa lũ nhưng hiện tại ba trong bốn hồ thủy điện ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đang xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết. Không mưa ở thượng nguồn nên nước không về các hồ chứa", Phó cục trưởng Châu Trần Vĩnh nói.
Ông Vĩnh thông tin, không riêng gì Vu Gia - Thu Bồn mà từ sông Hương (tỉnh Thừa Thiên Huế) vào đến sông Ba (qua các tỉnh Gia Lai, Phú Yên) cũng xảy ra tình trạng thiếu nước, các hồ khô cạn. Trong khi mùa lũ chỉ kéo dài thêm một tháng nữa là quay trở lại mùa cạn nên nguy cơ hạn hạn, thiếu nước không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở lưu vực các sông ở miền Trung.
May mắn là mùa lũ còn lại của năm nay ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn vẫn còn mưa. Ông Vĩnh hy vọng sẽ có lũ tiểu mãn để giúp giải quyết tình trạng hạn hán. Tuy nhiên với thời tiết hiện nay không ai dám khẳng định nguồn nước tại Cầu Đỏ bị nhiễm mặn sẽ diễn biến ra sao. Quy trình vận hành liên hồ cũng không đảm bảo sẽ có đủ khả năng đẩy mặn được tuyệt đối.