Đà Nẵng nhiều năm nay thiếu nước thô để sản xuất nước sạch vào cuối mùa khô. Cứ đến tháng 9-10, chính quyền lại đánh công văn đề nghị nhà máy thủy điện ở thượng nguồn tỉnh Quảng Nam xả lũ đẩy mặn. Năm nay hạn đến sớm, hơn một triệu dân thành phố sống trong cảnh thiếu nước bốn ngày qua.
Hệ thống nhà máy nước hiện có chỉ đủ cung ứng 270.000 m3/ngày, dự báo trong giai đoạn 2018-2020 Đà Nẵng sẽ thiếu khoảng 80.000 m3 nước mỗi ngày. Thấy trước được nguy cơ này, từ năm 2012 thành phố đã chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy nước Hòa Liên ở huyện Hòa Vang với công suất 120.000 m3/ngày.
Từ chối vốn ODA để tự chủ
Năm 2012, chính quyền Đà Nẵng giao cho Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), khi đó còn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà máy nước Hòa Liên; đồng thời cho phép Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) nghiên cứu theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
Năm 2014, JICA nộp báo cáo khả thi, đề xuất thành lập một liên danh gồm các công ty Nhật bản, Dawaco và các nhà đầu tư khác sử dụng vốn vay từ ADB, JICA và các nhà tài trợ để cung cấp nước bán sỉ.
Phía JICA đưa ra mức tổng chi phí đầu tư xây dựng dự án hơn 2.260 tỷ đồng, việc triển khai đấu thầu, ký kết hợp đồng vào tháng 12/2018, đưa vào sử dụng năm 2022. Giá bán sỉ năm đầu tiên theo đề xuất của phía doanh nghiệp Nhật Bản là 7.690 đồng/m3 nước.
Phía Dawaco không đồng ý mức giá này, vì khi mua lại để bán đến người tiêu dùng thì giá đội lên thành 8.782 đồng/m3. "Giá nước cao thì theo nguyên tắc thành phố sẽ phải chi tiền ngân sách bù vào cho doanh nghiệp. Trong khi giá nước sinh hoạt năm 2014 Đà Nẵng phê duyệt thấp nhất là 4.580 đồng/m3", ông Bùi Thọ Ninh, Giám đốc Ban kế hoạch Dawaco nói.
Sau nhiều lần thương thảo nhưng không đi đến thống nhất, năm 2016 các công ty Nhật Bản đề xuất phương án đầu tư mới, trong đó chỉ lựa chọn nhà đầu tư giữa các công ty Nhật Bản. Tổng mức đầu tư tính cả chi phí xây dựng và 20 năm vận hành là 5.429 tỷ đồng. Giá nước tại nhà máy khi đưa vào hoạt động là 4.410 đến 5.600 đồng/m3.
Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ không hoàn lại cho hai hạng mục dự án là đập ngăn mặn, tuyến ống nước thô và trạm bơm từ nguồn vốn ODA là 5,5 tỷ Yên (tương đương khoảng 1.078 tỷ đồng). "Số tiền này phía Nhật Bản hỗ trợ cho các công ty của họ tham gia dự án, nhằm giảm giá nước ban đầu, chứ không phải hỗ trợ cho Việt Nam", ông Hồ Hương - Tổng giám đốc Dawaco phân tích.
Trong khi phía Đại sứ quán Nhật Bản và Bộ Kế hoạch Đầu tư đang trao đổi bằng công hàm để thẩm định dự án thì tháng 11/2016 Dawaco cổ phần hóa. Công ty cho biết việc huy động vốn đã thuận lợi hơn trước nên mạnh dạn xin thành phố cho tự đầu tư dự án với tổng mức đầu tư 1.243 tỷ đồng, hoàn thành ngay trong năm 2020 và giá nước dự kiến là 4.600 đồng/m3.
Nhận thấy việc tự chủ của Dawaco có chi phí đầu tư thấp hơn, thời gian hoàn thành đáp ứng nhu cầu nước sạch và giá thành rẻ hơn, tháng 2/2017 Thường trực Thành ủy Đà Nẵng thống nhất phương án tự đầu tư của công ty. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ sau đó có văn bản xin ý kiến Thủ tướng.
Tháng 5/2017, Văn phòng Chính phủ đồng ý không sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản để đầu tư các công trình phụ trợ Nhà máy nước Hòa Liên, nhưng cũng yêu cầu "thành phố Đà Nẵng rút kinh nghiệm trong công tác vận động nguồn vốn ODA, tránh những việc tương tự xảy ra".
Đắn đo đầu tư hình thức BOT
Sau khi Bộ Kế hoạch Đầu tư có công hàm gửi Bộ Ngoại giao Nhật Bản về việc xin không nhận viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản đối với dự án nhà máy nước Hòa Liên, từ tháng 7/2017 phía Dawaco tiến hành các thủ tục đánh giá tác động môi trường, xin điều chỉnh quy hoạch và thủ tục đầu tư.
Tuy nhiên tháng 4/2018, Thường trực Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng lại có chỉ đạo thay đổi chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nước Hòa Liên, không giao cho Dawaco mà sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Đến nay, thành phố vẫn chưa chốt được phương án lựa chọn BOT hay giao lại cho Dawaco.
"Nếu theo phương thức BOT thì phải mất 945 ngày, tức là gần 3 năm mới hoàn thành dự án. Do đó thành phố đang phải tính toán lại phương án đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên phù hợp hơn, không để xảy ra tình trạng thiếu nước vào năm 2020. Tôi cũng rất nóng ruột về việc này", ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, nói.
Ông Bùi Thọ Ninh (Dawaco) cho rằng, đầu tư dự án theo hình thức BOT cũng giống như ODA, vì công ty sẽ là đơn vị mua lại nước tại đồng hồ tổng và bán lẻ cho người dân. "Đầu tư theo hình thức nào là quan điểm và chủ trương của thành phố, chúng tôi là đơn vị thực hiện. Nhưng phải thoả thuận trước về khung giá nước vì chúng tôi mới là đơn vị đi thu tiền của dân", ông nói.