Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng, nêu thông tin trên tại Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng 2024, diễn ra ngày 30/8. Sự kiện lần đầu được thành phố tổ chức và kỳ vọng là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của Đà Nẵng.
Đến 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành một trong ba trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch bán dẫn.
Thành phố cho biết sẽ tận dụng nguồn lực để đào tạo, thu hút tối thiểu 5.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành; thu hút đầu tư ít nhất 20 doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, dịch vụ thiết kế, trong đó có 1-2 doanh nghiệp đóng gói, kiểm thử.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh, thành phố có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch như Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, FPT Semiconductor, Viettel CNC... với khoảng 550 kỹ sư, chiếm 10% nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn của Việt Nam.
Thời gian qua, Đà Nẵng đã thành lập liên minh các trường đại học đào tạo vi mạch bán dẫn kết hợp trí tuệ nhân tạo; tổ chức lớp đào tạo giảng viên nguồn; lớp đào tạo chuyển đổi sinh viên chuyên ngành gần sang thiết kế chip; tuyển sinh mới kỹ sư thiết kế vi mạch năm 2024.
Dù số kỹ sư của Đà Nẵng còn khiêm tốn và nhân lực chất lượng cao là một thách thức của Việt Nam, PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt - Hàn, đánh giá mục tiêu của Đà Nẵng hay 50.000 kỹ sư tại Việt Nam vào năm 2030 là khả thi.
Ông Pháp dẫn chứng, năm ngoái cả nước có khoảng 300 chỉ tiêu về vi mạch bán dẫn, nhưng năm nay đã có 25 cơ sở đào tạo đại học công bố tuyển sinh, tổng chỉ tiêu hơn 3.000, tăng gấp 10 lần. Chất lượng đầu vào ngành vi mạch và các ngành gần khá tốt khi điểm tuyển sinh rất cao. Ở miền Trung có 3 trường tuyển sinh vi mạch bán dẫn, trong đó điểm chuẩn 24-27 điểm, nhiều ngành gần có điểm tương đương.
Trong tháng 6, Quốc hội ban hành Nghị quyết 136 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng với các ưu đãi cho các nhà đầu tư, đối tác chiến lược trong lĩnh vực bán dẫn.
Tuy nhiên, điều lo ngại là nhiều sinh viên giỏi, đạt giải cao ở các cuộc thi lớn, được học bổng thường tìm đến những nước phát triển để lĩnh hội tri thức và ít trở về nước làm việc.
"Vì vậy Đà Nẵng cần có chính sách giữ chân người tài và tăng cường hợp tác nhà trường với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chủ động tham gia đào tạo, đừng chờ đến khi sinh viên ra trường mới tìm kiếm tuyển dụng", ông Pháp nói và kiến nghị thành phố có chính sách hỗ trợ các trường đưa giảng viên nước ngoài về đào tạo cho sinh viên.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, hơn 10 tháng qua, thành phố đã có nhiều cuộc làm việc, hỗ trợ kêu gọi đầu tư về cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực về bán dẫn, trí tuệ nhân tạo để đáp ứng sự phát triển của thành phố và nhu cầu nhân lực của chính các doanh nghiệp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn trên thế giới có thể được chia thành bốn nhóm: thiết kế, sản xuất, đóng gói - kiểm tra và chế tạo thiết bị. Việt Nam có thể tham gia khâu thiết kế, với tổng doanh thu toàn cầu năm 2022 đạt khoảng 215 tỷ USD.