Sau đó, vì học giỏi, anh được giới thiệu dạy kèm cho các gia đình ở trung tâm thành phố. Cậu sinh viên trở thành gia sư cho cô gái và các em của cô, rồi trở nên thân thiết với gia đình. Nhiều năm sau, họ thành vợ chồng.
Đó là câu chuyện của cha mẹ tôi. Sau này, hai ông bà giao hẹn là mỗi khi giận nhau, không quan trọng là lỗi của ai, chỉ cần một người giơ hai ngón tay lên thì xí xóa làm hòa, không giận nữa.
Cha tôi, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, sau này có lần nói, ông thành công ở xứ người, vì luôn tự nhủ phải ráng học thật giỏi để xứng đáng với tình cảm của mẹ tôi. Một trong những điều tự hào nhất mà cha tôi đã làm cho mẹ, là đánh điện tín báo tin mừng cho mẹ biết đầu tiên ngay sau khi thắng giải Khôi nguyên La Mã, và sau khi tin đó lan truyền ra toàn Đà Lạt và cả nước, nhiều lãnh đạo và những người thân quen tấp nập đến chúc mừng ông bà ngoại và mẹ tôi. Sau khi du học Pháp về, một trong những nơi đầu tiên ông quay lại để giúp xây dựng chính là Đà Lạt. Ông thường nói với tôi, Đà Lạt là một trong những nơi rất khó làm quy hoạch, vì giá trị cốt lõi của thành phố không phải công trình, mà là thiên nhiên.
Sau này, cha mẹ tôi về TP HCM sống và làm việc, dù lên phố núi nhiều lần lúc còn bé, nhưng mãi tới khi học cấp hai, tôi mới thực sự "phải lòng" Đà Lạt. Đó là một buổi sáng, thức dậy, mở cửa sổ, tôi thấy xung quanh chỗ nào cũng mờ ảo sương mù. Tôi cảm giác mình bỗng chốc rơi vào xứ thần tiên nào đó. Những tháng ngày niên thiếu ấy đối với tôi, sương mù trở thành người nghệ sĩ tuyệt vời. Bất kỳ công trình nào sau làn sương đều biến thành lâu đài. Cảm xúc ấy vẫn còn trong tôi đến tận bây giờ. Mà đến sau này, cho dù ở Paris, London, Rome, New York, ... tôi đều không thể có được cảm xúc tương tự.
Đà Lạt với tôi là nơi rất đẹp, mộng mơ, người dân thân thiện. Nhưng càng về sau này, tôi cảm thấy buồn vì Đà Lạt mất dần đi những thứ đó. Mà sự mất mát là bởi con người.
Một trong những điều làm tôi lo lắng là dự án quy hoạch lại trung tâm Đà Lạt sẽ biến cô gái má hồng e thẹn thành cô gái thành thị lạnh lùng. Đề án đó, theo tôi chưa giải quyết được các vấn đề quan trọng nhất của thành phố: lợi ích về kinh tế, văn hóa lịch sử, và môi trường.
Thứ nhất, về khía cạnh kinh tế. Phải phân biệt sự khác nhau hoàn toàn giữa một quy hoạch trung tâm của thành phố du lịch cao nguyên với quy hoạch dự án địa ốc.
Tại sao nói đây là một dự án địa ốc? Bởi những thay đổi quan trọng nhất của dự án là lấy đất công chuyển thành mục đích thương mại: đẩy Dinh Tỉnh trưởng về một góc để nó thành công trình phụ và xây lên một khách sạn cao tầng trên đồi Dinh; lấy một khu đất công khác xây lên một trung tâm thương mại ngay giữa khu Hòa Bình - trái tim Đà Lạt. Những khu nhà phố trung tâm, dãy nhà cao tầng chạy từ Hồ Xuân Hương đến chợ và chung quanh, trong đó có nhiều miếng đất công sẽ bị đập bỏ.
Nếu nhà nước giao đất cho nhà đầu tư, đền bù giải tỏa hết những khu vực này thì chỉ có chủ dự án bất động sản được lợi bởi vì họ sẽ có tầm nhìn đẹp hơn, thoáng hơn, giá trị của bất động sản tăng lên. Gánh nặng ngân sách để giải tỏa thì nhà nước chịu. Người dân, du khách cũng không được lợi bao nhiêu, vì dịch vụ thương mại thì làm ở đâu mà chẳng được.
Không cần các dự án bất động sản lớn như khách sạn cao tầng đem thêm vào trung tâm thương mại, mà Dinh Tỉnh trưởng, rạp Hòa bình, chợ Đà Lạt, và quần thể những con đường nối vào khu trung tâm hoàn toàn có thể biến thành một khu trung tâm đi bộ hấp dẫn, thơ mộng và gia tăng giá trị rất nhiều cho Đà Lạt. Đầu tiên, chỉ cần làm vài việc: trồng cây xanh, sơn phết lại các công trình, chấn chỉnh lại biển quảng cáo, khuyến khích người dân dần dần thay mái nhà thành mái ngói và mái bằng thành vườn cây, giấu bồn nước tôn dưới mái ngói, sơn lại và trồng thêm nhiều cây và hoa trước sân nhà. Bộ mặt trung tâm Đà Lạt ngay lập tức sẽ đẹp hơn rất nhiều, mà không tốn kém bao nhiêu.
Ai đến Đà Lạt cũng muốn được đi bộ trên những con phố nhỏ xinh để tận hưởng không khí, nhìn ngắm cảnh quan. Nếu ta tiếp cận theo hướng lấy cộng đồng làm trung tâm, cho người dân tham gia vào dự án này, tạo điều kiện để họ tham gia chỉnh trang khu phố, và kinh doanh bằng chính ngôi nhà họ đang ở như làm dịch vụ thương mại, lưu trú bằng cách biến những con đường như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Bùi Thị Xuân, Ba tháng Hai... thành những con phố đi bộ thì càng có lợi về lâu dài. Người dân có thu nhập, du khách thích thú vì được sống trong cộng đồng, họ sẽ đóng thuế cho nhà nước nhiều hơn. Trong khi nhà nước không tốn nhiều tiền đầu tư, đất công vẫn thuộc về thành phố, để cải tạo thành những công trình phúc lợi cộng đồng như bảo tàng, nhà hát đa năng, thư viện,... chứ không bị giao cho ai hết.
Nói về lợi ích kinh tế, cuối cùng vẫn phải nhìn vào thu nhập của ngân sách. Ngân sách có thể được lợi ban đầu bằng cách bán đất thu tiền, nhưng nếu mình không bán đất thì đất vẫn nằm đó và giá trị còn tăng lên trong tương lai. Nếu bán, tiền đó có khi không đủ để nâng cấp hạ tầng phục vụ các dự án mới của nhà đầu tư, và thu nhập của ngân sách có thể còn bị âm.
Thứ hai, về mặt lịch sử, đây là một sai lầm chiến lược. Đà Lạt là một đô thị có trên 100 năm phát triển, đã có khu lịch sử phố Pháp ở phía Nam và đừng quên là nó cũng có khu phố Việt. Đó chính là khu phố lịch sử của người Việt đã xây dựng hàng trăm năm tại khu vực Hòa Bình. Khu này có vai trò như khu vực 36 phố phường của Hà Nội, có tính vai trò lịch sử của riêng nó và gắn bó với người dân từ rất lâu. Nên nếu phá khu vực Hòa Bình để xây thành công trình hiện đại, tức chỉ trân trọng khu phố Pháp, phá bỏ khu phố Việt lịch sử, thì có lỗi lớn với tiền nhân.
Một thành phố du lịch phải kể được rất nhiều câu chuyện hấp dẫn, trong đó có câu chuyện nó đã phát triển như thế nào, có những sự kiện gì. Nếu mình đập đi xây lại hết thì Đà Lạt sẽ vô hồn. Du khách cũng không cần đi cả hàng trăm, nghìn km để để thấy Đà Lạt cũng giống như Singapore, TP HCM.
Thứ ba là giá trị môi trường. Những ai sống hoặc đã mến Đà Lạt thì đều biết, điều quan trọng nhất của Đà Lạt là khí hậu mát mẻ và sương mù - đặc sản của Đà Lạt. Cả hai thứ đó chỉ có được nếu giảm bê tông và tăng thêm cây xanh. Một phần giá trị của đô thị du lịch nghỉ dưỡng đã bị mất mát bởi sương mù bây giờ rất hiếm. Đà Lạt không hợp với những công trình có khối tích lớn, bởi triết lý phát triển của Đà Lạt phải là một thành phố ở trong rừng, đi theo hướng môi trường, cảnh quan, văn hóa, lịch sử chứ không cần thêm bản copy của các thành phố khác.
Để giải bài toán tương lai của thành phố chính là phải trồng thêm cây và tăng không gian mặt nước chứ không phải chặt cây đi. Việc mất bớt cây cối, tăng bê tông, sử dụng nhiều máy lạnh sẽ làm khí hậu Đà Lạt nóng lên, và có thể làm Đà Lạt mất sương mù mãi mãi.
Tôi rất hy vọng khi phát triển Đà Lạt, chúng ta hãy cân nhắc, đừng nên quá chạy theo tư duy mét vuông như ở TP HCM để có thể trả lại cho người yêu Đà Lạt và du khách những cảm giác nên thơ như tôi từng được hưởng.
Khi mình nhìn nhận khu trung tâm thành phố với một tầm nhìn rộng mở, tất cả mọi người sẽ đều có lợi. Và quan trọng nhất, ta vẫn giữ được giá trị của một đô thị nghỉ dưỡng, giúp cho ngân sách thành phố tăng lên. Còn nếu vội vã theo những quy hoạch dự án địa ốc không phù hợp thì có thể sau này, ta phải bỏ ra rất nhiều tiền của và công sức mà chưa chắc sửa chữa được sai lầm.
Ngô Viết Nam Sơn