Một quan chức nhà đất bị ghi hình khi đang âu yếm nữ nhân viên tại quán karaoke; 41 đảng viên tại Vân Nam bị khai trừ vì sử dụng heroin và ma túy đá; tổng giám đốc một công ty nông nghiệp nhà nước lĩnh án tử hình vì bỏ túi 55 triệu USD tiền hối lộ. Những tin tức như trên, liên quan tới hành vi phạm tội của giới quan chức, thời gian gần đây xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc.
"Người dân Trung Quốc bình thường như chúng tôi thấy vui khi chứng kiến các quan chức tham nhũng phải chịu hình phạt thích đáng", New York Times dẫn lời ông Yang Tianrong, 75 tuổi, một người lính về hưu, nói. Ông hiện sống gần một khu nghỉ dưỡng ven biển ở phía đông thủ đô Bắc Kinh, cũng là quê hương của một quan chức ngành nước. Người này xuất hiện liên tục trên mặt báo sau khi chính quyền cho biết tìm thấy khoảng một tấn tiền mặt, trị giá hơn 20 triệu USD cất giấu trong hầm nhà ông ta.
Hoài nghi sâu sắc
Sau hai năm theo dõi chính quyền thực hiện chiến dịch quy mô nhằm chống lại những hành động phi pháp của giới quan chức, nhiều người dân vẫn giữ thái độ hoài nghi sâu sắc và luôn tự hỏi liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có thể xóa bỏ hoàn toàn những hành vi vụ lợi đã từ lâu tràn ngập trong cơ chế quan liêu của Trung Quốc hay không.
Một số người nghĩ ông Tập thật sự nghiêm túc trong việc loại trừ vấn nạn tham nhũng. Nhiều quan chức cũng đã thu mình lại, cảnh giác hơn mỗi khi muốn làm điều gì phi pháp. Nhưng một phần dân chúng vẫn tỏ ra nghi ngờ, cho rằng vấn đề sẽ lập tức trở lại một khi chiến dịch chống tham nhũng kết thúc.
"Tham nhũng là một thứ gì đó mà bạn không bao giờ có thể nhổ tận gốc. Xử lý xong nhóm quan chức này thì nhóm khác sẽ xuất hiện và thế chỗ", Gong Qiang, một lái xe taxi ở Bắc Kinh, nói. "Nó giống như việc phát quang những đám tỏi tây vậy, hôm nay bạn cắt chúng đi nhưng rồi những mầm mới sẽ lại mọc lên trên bề mặt".
Các lãnh đạo đảng những ngày gần đây tái khẳng định quyết tâm trong cuộc chiến chống tham nhũng, đồng thời thể hiện mối lo ngại về việc những hành động phản kháng sẽ xuất hiện trong nội bộ đảng Cộng sản với hơn 86 triệu thành viên.
Trong một bài bình luận đăng hôm 11/1, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, thẳng thắn lên án những quan chức có suy nghĩ cho rằng chiến dịch đang làm tổn hại hình ảnh của đảng khi phơi bày quá chi tiết thực trạng tham nhũng. Bài viết cũng khiển trách những người nói trấn áp tham nhũng sẽ chỉ khiến các nhân viên chính phủ ngồi yên một chỗ thay vì làm những công việc có thể khiến họ rơi vào rắc rối.
"Gửi những cán bộ vẫn đang than vãn về việc có quá nhiều cuộc điều tra, thăm dò được thực hiện, tốt hơn hết các bạn hãy nhanh chân lên và thích ứng với các tiêu chuẩn mới", bài báo viết.
Dù ngờ vực nhưng người dân vẫn cho hay họ khá ấn tượng trước quy mô và tầm vóc của các quan chức bị hạ bệ. Năm ngoái, gần 72.000 cán bộ bị điều tra, trong đó có tới 68 quan chức cấp cao.
Mặt khác, một số chuyên gia lại tin rằng ông Tập chỉ đang sử dụng chiến dịch chống tham nhũng như một phương tiện để răn đe các thế lực chống đối cũng như củng cố thêm quyền lực. Nếu không có những thay đổi mang tính hệ thống, bao gồm cả việc nâng cao sự minh bạch và tự do báo chí, các hành vi phạm pháp sẽ tái diễn.
"Thật sự chiến dịch chống tham nhũng cũng có những tác động tích cực không thể phủ nhận nhưng dường như nó giống với một nước cờ chính trị hơn", Murong Xuecun, nhà phê bình xã hội, thường xuyên viết về nạn lạm dụng quyền lực, bình luận.
Zhu Ruifeng, phóng viên tự do chuyên sử dụng mạng Internet để vạch mặt các quan chức có hành vi sai trái, nhận định các nhân viên điều tra tham nhũng thường không mấy quan tâm tới khiếu nại của những dân thường Trung Quốc.
Người ta cảm thấy thất vọng khi các quan chức tham nhũng tại địa phương mình vẫn chưa bị điều tra. "Dân chúng đều phấn khích với ý tưởng tự mình có thể làm sạch những thối rữa trong bộ máy nhà nước, nhưng khi cố gắng báo cáo về những quan chức tham nhũng tại quê hương mình, họ ngay lập tức phải đối mặt với thực tế phũ phàng", ông Zhu nói.
Trên trang web Giám sát từ Nhân dân (People’s Supervision), Zhu thêm rằng một số vụ việc quan chức làm sai mà ông phát hiện những tháng gần đây vẫn chưa được xử lý. "Chính quyền có kế hoạch và suy tính riêng trong việc chọn mục tiêu theo đuổi, đây là lý do vì sao người dân cảm thấy thất vọng về chiến dịch này", ông nhấn mạnh.
Trong một nghiên cứu gần đây, Geremie R. Barme, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Australia, còn chỉ ra rằng con cháu của lớp lãnh đạo đầu tiên ở Trung Quốc, những người được gọi là "thế hệ đỏ thứ hai" của quốc gia, nếu có làm sai điều gì thì đều bằng cách nào đó thoát khỏi những hình phạt nặng.
Tìm hiểu một cuộc điều tra công khai hơn 40 quan chức cấp cao ở Trung Quốc vào năm ngoái, giáo sư Barme nhận thấy tất cả những người này đều thuộc "tầng lớp bình dân", đi lên từ nguồn gốc khiêm tốn. Ngược lại, "thế hệ đỏ thứ hai" dường như được miễn các tội trạng nặng và đều không bị xử lý công khai.
"Không ít người thuộc tầng lớp quý tộc, hay con cháu của các bậc lãnh đạo từ thời Mao Trạch Đông, có liên quan tới các hành vi tham nhũng", ông viết trong một bài nghiên cứu đăng vào tháng 10 năm ngoái. "Nhưng giống với những bậc tinh hoa có mạng lưới quan hệ rộng rãi khác, họ 'hạ cánh an toàn' với các chiêu bài như bí mật thuyên chuyển công tác, nghỉ hưu sớm để tránh tai ương hay lặng lẽ bổ nhiệm lại chức vụ".
Chán nản từ địa phương
Tại Bắc Đới Hà, thị trấn ven biển nơi các đảng viên cao niên của Trung Quốc cùng gia đình thường lui tới nghỉ dưỡng vào mùa hè, những mâu thuẫn trong tư tưởng của người dân cũng hiện hữu tương đối rõ nét. Trong mấy tháng trở lại đây, cả thành phố sững sờ trước tin Mã Siêu Quần, nguyên tổng giám đốc một công ty cấp thoát nước đô thị, bị bắt giữ với nhiều tội danh, trong đó có việc đòi tiền lại quả trong một dự án cấp nước.
Ông Mã bị cáo buộc trữ hơn 37 kg vàng, 40 thùng tiền mặt và sổ đỏ của 68 ngôi nhà, 7 căn trong số này tọa lạc tại thủ đô. Cả một ngôi làng cùng một trạm xe buýt địa phương đã bị cắt nước hoàn toàn vì từ chối trả hoa hồng cho Mã, truyền thông Trung Quốc đưa tin.
Ông Mã, 48 tuổi, từng là một thợ sửa nồi hơi, nổi tiếng vì tính khí nóng nảy và thù dai. Ông này được cho là đã bắt nhân viên lau sạch cửa sổ trụ sở công ty nước ngay dưới trời mưa tuyết. Người dân địa phương không thể nào quên cái lần ông lớn tiếng lăng mạ một người đi đọc số nước . "Ông ta cứ thế xỉ vả, nói rằng có thể khiến một con chó làm được công việc của cô ấy chỉ bằng hai cái bánh bao hấp", một người chứng kiến vụ việc kể lại.
Ngay cả khi đang vui mừng trước sự sụp đổ của Mã, người dân vẫn tỏ ra thất vọng khi còn quá nhiều quan chức lạm quyền khác vẫn tại vị. Thực tế, những chi tiết đề cập đến thói ăn tiêu vô độ của viên quan chức ngành nước bị phơi bày trên báo chí còn khiền người dân càng thêm tức giận.
"Nếu một quan chức chỉ nhỏ bé bằng hạt vừng như ông ta còn tham lam và có thể bán rẻ nhân phẩm như vậy, thì bạn có thể tưởng tượng nổi các vị cán bộ cấp cao đang ăn cắp những gì không?", Qiu Ying, 55 tuổi, chủ một cửa hàng ăn uống nằm cạnh ngôi biệt thự bị nghi nhờ tham ô mà có của ông Mã, nói.
"Chúng tôi ban đầu hy vọng vụ việc của Mã Siêu Quần bị phanh phui sẽ khiến các quan chức tham nhũng khác ngã ngựa theo", ông Yang chia sẻ, "nhưng những gì chúng tôi nhận được chỉ là sự chán nản mà thôi".
Vũ Hoàng (theo New York Times)