Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/6, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng thêm 75 tỷ đồng, ứng với gần 3 triệu cổ phiếu trên sàn TP HCM (HOSE). Nhiều blue-chip trong rổ VN30 cũng bị bán ròng, trong đó PVD dẫn đầu với giá trị gần 24 tỷ đồng.
Dù mới được chọn vào bộ chỉ số của quỹ ETF, PPC vẫn trở thành điểm nóng xả hàng của các nhà đầu tư nước ngoài. Trị giá bán ròng của PPC đạt hơn 20 tỷ đồng, tương đương gần 900.000 cổ phiếu.

Chốt phiên 19/6, Vn-Index tăng 4,49 điểm, lên 503,37 điểm, khối lượng giao dịch 43 triệu cổ phiếu, trị giá gần 770 tỷ đồng. HNX-Index cũng tăng nhẹ 0,05%, đạt 65,02 điểm và chuyển nhượng gần 30 triệu cổ phiếu, trị giá giao dịch hơn 250 tỷ đồng.
Trước đó, suốt một tháng qua, khối ngoại bán ròng liên tiếp hơn 700 tỷ đồng, tương đương với gần 50 triệu cổ phiếu. Phiên bán ròng mạnh nhất vào ngày 12/6 có giá trị lên tới 194 tỷ đồng, ứng với trên 8,6 triệu cổ phiếu. HAG dẫn đầu khi bị các nhà đầu tư nước ngoài bán hơn 40 tỷ đồng, bao gồm cả khớp lệnh và thỏa thuận.
Chỉ một tháng trước (19/4-19/5), xu thế chủ đạo của các nhà đầu tư nước ngoài là mua ròng với trị giá hơn 1.300 tỷ đồng. Tính riêng quý I, khối ngoại mua ròng hơn 3.600 tỷ đồng, tương đương gần 158 triệu cổ phiếu.
Trái ngược với HOSE, sàn Hà Nội vẫn được khối ngoại quan tâm và mạnh tay mua trong phiên 19/6. Tuy nhiên trị giá cũng chỉ đạt khoảng 20 tỷ đồng, ứng với 2,4 triệu cổ phiếu. Đầu tháng 5 tới nay, lượng mua ròng của khối ngoại sàn Hà Nội cũng chỉ vỏn vẹn hơn 100 tỷ đồng.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc phân tích và nghiên cứu kinh tế Công ty quản lý Quỹ Sài Gòn Hà Nội (SHF) cho rằng động thái bán ròng của khối ngoại một phần liên quan tới tin kinh tế vĩ mô tại Mỹ.
Mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tuyên bố nước này có khả năng rút dần gói kích thích kinh tế, đồng thời nâng lãi suất trái phiếu Chính phủ. "Điều này dẫn tới khả năng một số nhà đầu tư ngoại sẽ rút một phần vốn khỏi các thị trường mới nổi", ông Đức nói.
Khối ngoại vẫn bán ròng, nhưng thị trường vẫn tăng điểm cho thấy "chứng khoán Việt Nam đang phản ánh một giai đoạn mới, do nhà đầu tư trong nước dẫn dắt", ông Đức nói.
"Bây giờ nhà đầu tư nên nhìn vào dòng tiền trong nước. Những mã cổ phiếu nào mà dòng tiền trong nước vẫn vào sẽ tăng điểm. Vài tuần qua khối ngoại bán ròng khá mạnh, nhưng nhiều mã không giảm nhiều, có mã chỉ mất 500 đồng, một sự điều chỉnh hết sức nhỏ. Nó cho thấy có sự cân bằng nhất định giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài", ông Đức nhận định.
Đánh giá về cơ hội của thị trường chứng khoán, chuyên gia này cho rằng, vẫn sẽ lên được mức 600 điểm, nhưng thấp nhất của Vn-Index trong năm nay vẫn ở mức 540 điểm.
Chung quan điểm trên, ông Tống Minh Tuấn, Trưởng phòng Phân tích - Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng nhận định việc các nhà đầu tư ngoại tháo chạy khỏi một số thị trường như Thái Lan, Philippines và Indonesia trong các phiên gần đây phần nào gây ảnh hưởng. Lý do chính là chứng khoán Việt Nam hiện thuộc nhóm thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, nhìn chung thị trường vẫn ổn và lạc quan. Trong những phiên bán ròng như vậy nhưng thị trường không còn giảm điểm cho thấy dòng tiền từ khối nội vẫn dồi dào.
Theo ông Tuấn, đối tượng bán ròng chính vẫn là các quỹ ETF. “Họ sẽ còn xả hàng cho đến khi đạt đúng tỷ trọng mong muốn trong danh mục, nhưng xu thế bán ròng có thể chỉ diễn ra đến hết tuần này”, ông Tuấn chia sẻ.
Tường Vi - Hàn Phi