Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan tới xử lý một số cán bộ nhận tiền của chủ hàng để làm ngơ cho việc vận chuyển hàng lậu qua biên giới tại Quảng Ninh, Lạng Sơn vừa qua, ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), ngày 22/1, cho biết, vụ việc đang được Bộ Tư lệnh biên phòng xem xét xử lý.
Sau khi nhận được phản ánh, cơ quan này đã chỉ đạo cơ quan chức năng lập đoàn công tác làm việc với địa phương để điều tra, xác minh vụ việc. Trên cơ sở kết quả điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm các cán bộ liên quan, xử nghiêm.
"Chúng tôi xác định không có vùng cấm, không bao che sai phạm. Ai sai sẽ bị xử lý nghiêm. Để có hình thức kỷ luật thì phải làm theo quy trình. Cơ quan chuyên môn sẽ cung cấp khi có kết quả cuối cùng", ông Thế nói.
Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 thông tin thêm, ngay những ngày đầu năm 2019 đã có một số cán bộ vi phạm chống buôn lậu bị xử lý, kể cả xử lý hình sự.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng tại một cửa hàng kinh doanh gas.
Cũng tại cuộc họp, liên quan tới xử lý hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nhận xét, bán hàng giả, hàng cấm, vi phạm sở hữu trí tuệ trên mạng, hay các trang thương mại điện tử ngày càng "tinh vi, khó xác minh".
Lợi nhuận các nhà bán hàng thu được từ việc kinh doanh này rất lớn, song chế tài xử lý khi bị phát hiện lại quá nhẹ, nên không đủ tính răn đe. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 185/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm.
Cụ thể, theo dự thảo Nghị định sửa đổi đang được lấy ý kiến, khung phạt với hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử sẽ tăng lên tối đa 70.000 triệu đồng.
Cũng cho rằng các chiêu thức kinh doanh hàng giả lừa người tiêu dùng đang diễn ra tinh vi hơn trước, nhất là qua kênh bán hàng online, đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 xác định, đấu tranh với hành vi này là một trong những kế hoạch trọng tâm, trọng điểm trong năm 2019.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389, đã có 202.980 vụ việc vi phạm bị bắt giữ, xử lý trong năm ngoái, thu về ngân sách hơn 20.120 tỷ đồng. Trong số này đã khởi tố 1.980 vụ và khoảng 2.340 đối tượng. Số lượng vụ xử lý vi phạm của quản lý thị trường chiếm khoảng 40%, gần 81.000 vụ, nộp ngân sách hơn 490,2 tỷ đồng. Hơn 24.230 vụ việc vi phạm được lực lượng hải quan phát hiện, nộp ngân sách gần 2.810 tỷ đồng.
Anh Minh