Lời hứa bảo vệ của các đồng minh NATO được đưa ra khi cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 7. Cam kết này sẽ được duy trì đến khi Slovakia tiếp nhận các tiêm kích F-16 mới từ Mỹ, dự kiến vào năm 2024.
Theo thỏa thuận, Ba Lan và Czech sẽ cung cấp các lực lượng cần thiết để nhanh chóng phản ứng trong trường hợp không phận Slovakia bị xâm phạm. Slovakia có biên giới với Ukraine.
Thỏa thuận được ký kết tại một căn cứ không quân của Slovakia bởi Bộ trưởng Quốc phòng Czech Jana Cernochova, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak và người đồng cấp Slovakia Jaroslav Nad.
Bộ trưởng Blaszczak cho biết hai chiến đấu cơ F-16 của nước này sẽ bắt đầu tuần tra trên không phận Slovakia từ ngày 1/9.
Slovakia có một phi đội 11 máy bay phản lực MiG-29 và vào tháng trước, Bộ trưởng Nad nói rằng họ có thể cân nhắc tặng chúng cho Ukraine với một số điều kiện nhất định.
Khi được hỏi về việc liệu các máy bay MiG-29 có thể được chuyển đến Ukraine hay không, ông Nad cho hay Slovakia đang đàm phán với Ukraine và các đồng minh Liên minh châu Âu (EU) về cách tốt nhất để giúp đỡ Kiev, song không nêu chi tiết.
Slovakia từng chuyển hệ thống phòng không S-300 duy nhất trong biên chế cho Ukraine, như một phần thỏa thuận hoán đổi lấy tổ hợp tên lửa Patriot của Mỹ.
Cùng với Bulgaria và Ba Lan, Slovakia là một trong số ít thành viên NATO còn sử dụng chiến đấu cơ MiG-29 từ thời Liên Xô, dòng máy bay mà các phi công Ukraine đã rất quen thuộc và có thể vận hành ngay.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dấu hỏi về cách có thể chuyển số máy bay MiG-29 cho Ukraine. Tiêm kích bay trực tiếp từ Slovakia đến Ukraine có thể bị Moskva coi là hành động gây chiến, dẫn tới xung đột quân sự trực diện giữa Nga và NATO. Trong khi đó, phương án tháo rời phi cơ và chuyển bằng đường sắt đi kèm với nguy cơ tàu hỏa bị lực lượng Nga tập kích khi tiến vào lãnh thổ Ukraine.
Vũ Hoàng (Theo AP)